Ngày nay, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Theo đó, các khu kinh tế không ngừng phát triển và mở rộng nhưng không phải vị trí nào cũng được xây dựng được vì còn phải phụ thuộc vào đất khu vực đó có được sử dụng cho khu kinh tế và được thành lập các khu kinh tế hay không.
KHÁI NIỆM ĐẤT SỬ DỤNG CHO KHU KINH TẾ
Căn cứ theo khoản 1 Điều 151 Luật Đất đai 2013 và Khoản 2 Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018 thì đất sử dụng cho khu kinh tế gồm đất để xây dựng khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đất sử dụng cho khu kinh tế được hiểu là diện tích đất sử dụng cho các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế nhằm tạo môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Từ quy định trên có thể thấy, đất sử dụng trong khu kinh tế được quy định khá rõ ràng, chi tiết. Cùng với sự phát triển và hội nhập của đất nước, nền kinh tế cũng không ngừng phát triển, giúp cho đời sống người dân ngày càng cải thiện rõ rệt. Chính vì vậy, nhà nước đã và đang có những chính sách về đất đai. Đặc biệt về lĩnh vực đất đai dành cho khu kinh tế từ đó có những chiến lược thành lập khu kinh tế nâng khả năng cạnh tranh đầu tư, không ngừng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư phát triển tại Việt Nam.

CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT KHU KINH TẾ
HÌNH THỨC SỬ DỤNG ĐẤT TRONG KHU KINH TẾ
Khi muốn sử dụng đất trong khu kinh tế, người sử dụng đất chỉ được tiến hành sử dụng khi có quyết định giao lại đất, cho thuê đất của Ban quản lý khu kinh tế. Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất cho người có nhu cầu sử dụng đất trong các khu chức năng của khu kinh tế thực hiện theo quy định tại các Điều 54, 55 và 56 của Luật Đất đai 2013.
Đối với việc xây dựng, mở mới các khu kinh tế thì phải phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống các khu kinh tế trong cả nước. Bởi lẽ số lượng khu kinh tế không nhiều như số lượng các khu công nghiệp. Ngoài ra, không phải ở địa phương nào cũng có đầy đủ điều kiện thuận lợi về mặt vị trí địa lí để có thể phát triển thành khu kinh tế. Vì vậy, phải sử dụng đất một cách hiệu quả, không thể sử dụng đất lãng phí, bừa bãi để thành lập các khu kinh tế một cách ồ ạt mà phải dựa vào quy hoạch trên tổng thể hệ thống các khu kinh tế trong cả nước.
Lưu ý: Căn cứ vào khoản 6 Điều 151 Luật Đất đai 2013 thì chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong các khu kinh tế được áp dụng khác nhau tùy thuộc vào từng loại đất theo quy định của Luật này.
THỜI HẠN SỬ DỤNG ĐẤT TRONG KHU KINH TẾ
Thời hạn sử dụng đất được hiểu là khoảng thời gian mà người sử dụng đất được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với khu đất đó. Tùy thuốc vào từng loại đất khác nhau mà thời hạn sử dụng khác nhau. Theo đó, thời hạn sử dụng đất được chia thành hai loại bao gồm: Đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.
Đối với đất trong khu kinh tế thì đây là loại đất sử dụng có thời hạn. Theo quy định tại khoản 3 Điều 151 Luật Đất đai 2013 thì đất để sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế sử dụng không quá 70 năm.
CHỦ THỂ QUẢN LÝ ĐẤT TRONG KHU KINH TẾ VÀ TRÁCH NHIỆM THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT
CHỦ THỂ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI KHU KINH TẾ
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất ổn định, lâu dài. Để dễ dàng quản lý, Nhà nước thiết lập hệ thống phân chia thẩm quyền quản lý sử dụng đất đai cho từng cơ quan. Tại khoản 2 Điều 151 Luật Đất đai 2013 quy định về chủ thể quản lý sử dụng đất trong khu kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất cho Ban quản lý khu kinh tế. Ban quản lý sẽ tổ chức xây dựng theo kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt trong quy hoạch chi tiết xây dựng của khu kinh tế.
Bạn có thắc mắc hệ thống cơ quan quản lý đất đai được tổ chức và xây dựng như thế nào? Cùng tìm hiểu ngay Hệ thống cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI CỦA BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ
Luật đất đai năm 2013 và Nghị định của Chính phủ về thi hành Luật đất đai quy định khá chi tiết về quy chế quản lý và sử dụng đất cho mục đích phát triển các khu kinh tế trong cả nước.
Trên thực tế, khu công nghiệp có số lượng nhiều hơn khu kinh tế vì không phải khu vực nào cũng có những lợi thế nhất định đáp ứng điều kiện để thành lập các khu kinh làm đầu tàu cho sự phát triển kinh tế của một vùng hoặc liên vùng.
Vì vậy, đối với việc phê duyệt tổng thể các khu kinh tế, quy chế pháp lí của các khu kinh tế thông thường sẽ gắn liền với quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước vào đời sống kinh tế quốc tế, quốc gia tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất để các địa phương không ngừng thu hút đầu tư đồng thời sử dụng đất đai một cách có hiệu quả nhất.
Nếu bạn đọc quan tâm đến thực trạng đánh giá việc quản lý đất và các biện pháp tăng cường, cùng tìm hiểu ngay đánh giá quản lý đất đai
Đất đai là một tài sản, tài nguyên đặc biệt quý giá. Chính vì thế nhà nước luôn quản lý đất đai một cách chặt chẽ. Theo khoản 1 Điều 53 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì trách nhiệm quản lý đất đai của Ban quản lý khu kinh tế được quy định cụ thể, bao gồm 05 trách nhiệm chính sau:
Đầu tiên, Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Bên cạnh đó, Ban quản lý là còn có trách nhiệm liên quan đến việc thu tiền sử dụng đất là quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; đối với mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất thì phải phù hợp với quy định của Chính phủ;
Trách nhiệm tiếp theo là thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi;
Liên quan đến quy định trình, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế cũng thuộc trách nhiệm của Ban quản lý;
Cuối cùng, Ban quản lý có trách nhiệm gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Việc phân chia thẩm quyền và trách nhiệm quản lý về đất đai giúp cho nhà nước quản lý đất đai một cách dễ dàng và hiệu quả. Người dân, cơ quan, tổ chức rõ ràng hơn về quyền và trách nhiệm của mình trong từng trường hợp cụ thể. Từ đó, khi phát sinh những thay đổi, mâu thuẫn nào cơ quan có thẩm quyền cũng dễ xác định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng đối tượng để thực hiện, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.