zalo-icon
phone-icon

Không trả lương cho người lao động

Người lao động phải làm gì khi công ty không trả lương theo như thỏa thuận ? Với hành vi không trả lương cho người lao động công ty có bị xử phạt không?

Cơ sở pháp lý

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 và Nghị định 28/2020/NĐ-CP.

Hiện nay, thực trạng doanh nghiệp không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ cho người lao động rất phổ biến. Tình trạng này diễn ra ngày càng gia tăng kể từ khi xuất hiện dịch bệnh và vấn nạn này lại xảy ra với số lượng lớn hơn. Cụ thể, trên các diễn đàn về nhân sự, lao động không khó để bắt gặp những ý kiến phàn nàn về việc chậm lương của công ty hay nặng nề hơn còn là việc “bóc phốt” công ty quỵt lương. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề này xuất phát từ nhiều lý do và dễ thấy nhất không trả lương hoặc giam lương với mục đích giữ chân lao động làm việc lâu dài, do kinh doanh khó khăn. Mặc dù vậy, dù là vì lý do gì đi nữa thì việc không trả lương, trả lương không đầy đủ và đúng hạn cho lao động là hành vi trái pháp luật.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì người lao động bán sức lao động của mình cũng chỉ để mong nhận được tiền lương theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động với công ty. Đây vốn dĩ là quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp của người lao động đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 32. Quyền này đã được cụ thể hóa tại Điều 5 của Bộ luật lao động năm 2019. Theo đó thì người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Vì vậy, Người sử dụng lao động bắt buộc phải có nghĩa vụ trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động theo quy định của pháp luật. Mặc dù vấn đề trả lương đã được luật quy định rất chặt chẽ và nghiêm túc, tuy nhiên trên thực tế hiện nay còn rất nhiều công ty không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ này. Điển hình ở các hành vi cụ thể như: Không trả lương cho những ngày người lao động thử việc, trì hoãn hoặc không trả lương khi chấm dứt hợp đồng lao động, không trả lương làm thêm giờ.

Tìm hiểu thêm: Thẩm quyền xử lý kỷ luật khi người lao động thuê lại vi phạm 

Quyền nhận lương trong bất kỳ trường hợp nào của người lao động

Hiện nay quyền bảo vệ tiền lương của người lao động được Bộ Luật lao động 2019 bảo vệ trong bất kỳ trường hợp nào. Điều này có nghĩa mặc dù người lao động chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hoặc bị người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thậm chí là bị sa thải nhưng quyền được nhận lương trong những ngày đã làm việc vẫn là quyền bất khả xâm phạm. Cụ thể như sau:

Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc

Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Bộ luật lao động năm 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Đặc biệt lưu ý là trong quá trình thử việc thì người lao động hoặc người sử dụng lao động đều có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc giữa các bên, người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ trả tiền công cho người lao động đối với những ngày mà người lao động đã làm việc trước đó. Vì vậy, nếu trong thời gian thử việc, người sử dụng lao động không chi trả lương cho người lao động là trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Người lao động được nhận lương trong thời gian người lao động làm việc theo HĐLĐ đã ký kết

Trong trường hợp này người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ chi trả đủ tiền lương và những khoản phụ cấp khác (nếu có) cho người lao động theo đúng thời hạn mà hai bên đã đạt được thỏa thuận giữa hai bên trong hợp đồng lao động hoặc phù hợp với thời hạn do người sử dụng lao động quy định nhưng không được trái quy định pháp luật. Vậy nên hiện nay, căn cứ theo quy định tại Điều 94 của Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn cho người lao động. Và bên cạnh đó, cũng tại Bộ luật này tại Điều 97 thì “trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.

Tham khảo thêm: Người lao động tự nguyện tăng ca 6 giờ/ngày có vi phạm không?

Người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động cho những ngày đã làm việc trước khi chấm dứt HĐLĐ

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của người lao động như là tiền lương, tiền thưởng và ngày nghỉ hằng năm chưa nghỉ hay tiền trợ cấp thôi việc (nếu có) trong thời hạn 14 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động và hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ những khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên và trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Có thể bạn quan tâm: Không trả đủ lương cho người lao động bị xử lý thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ trả lương

Vi phạm quy định về trả lương trong thời gian thử việc

Trong những trường hợp thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó thì người sử dụng lao động có thể bị xử phạt mức từ 2 đến 5 triệu đồng. Bên cạnh việc bị xử phạt tiền thì người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc.

Vi phạm quy định về tiền lương

Trong một số trường hợp người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 đến 50 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm khi trả lương không đúng hạn và không trả hoặc trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương hoặc bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước, trả lương làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định hay trường hợp khấu trừ tiền lương của người lao động trái với quy định, trả không đủ tiền lương ngừng việc. Ngoài ra thì người sử dụng lao động còn phải thực hiện những biện pháp khắc phục hậu quả như buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định, buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi mà người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Người lao động cần làm gì để bảo vệ quyền nhận lương

Cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho mình khi rơi vào những trường hợp nói trên thì người lao động có thể lưu ý các bước sau: Gửi khiếu nại đến Thanh tra lao động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyên để đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình, người lao động cũng có thể đề nghị Hòa viên lao động thực hiện hòa giải, trường hợp người sử dụng lao động vẫn không thực hiện trả lương (hòa giải không thành) và người lao động có thể kiện người sử dụng lao động ra Tòa án để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Liên hệ ngay: Luật sư tư vấn về trường hợp công ty không trả lương cho người lao động

Trên đây là bài viết của Luật Thành Công chia sẻ về vấn đề “Không trả lương cho người lao động“. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tới hotline 1900633710 để được tư vấn và hỗ trợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710