zalo-icon
phone-icon

Thuế hộ kinh doanh cá thể và cách tính

Tại Việt Nam nhu cầu kinh doanh mô hình cá thể vừa và nhỏ ngày càng nhiều. Do đó, nhu cầu muốn tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan đến hộ kinh doanh cá thể cũng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các vấn đề về thuế. Đây luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm mà chủ hộ kinh doanh cá thể luôn quan tâm trước khi quyết định thành lập loại hình kinh doanh này. Việc tìm hiểu, nghiên cứu quy định pháp luật một cách kỹ lưỡng nhằm giúp hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ tài chính rõ ràng và tối ưu nhất. Trong bài viết này, Hãng Luật Thành Công cung cấp đến bạn “chìa khóa” để hiểu rõ hơn về thuế hộ kinh doanh cá thể.

Các loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp

Theo quy định về quản lý thuế, có 03 loại thuế hộ kinh doanh cá thể phải nộp như sau:

  • Thuế môn bài; 
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT);
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Ngoài 03 loại thuế nêu trên, hộ kinh doanh cá thể còn có thể phải nộp thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên, … nếu hộ kinh doanh đó kinh doanh hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế của các luật này.

Có thể bạn chưa biết: Mã số thuế hộ kinh doanh là gì? Trình tự, thủ tục đăng ký như thế nào?

Thuế hộ kinh doanh cá thể
Thuế hộ kinh doanh cá thể

Cách tính thuế hộ kinh doanh cá thể

Trong năm dương lịch, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 100 triệu đồng trở xuống được miễn lệ phí môn bài và không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Trong năm dương lịch, hộ kinh doanh cá thể có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 100 triệu đồng thì phải đóng lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.

Có thể bạn quan tâm: Cách tra cứu mã số thuế hộ kinh doanh cá thể

Tính thuế môn bài hộ kinh doanh

Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và điểm c, khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài hộ kinh doanh cá thể được tính dựa trên doanh thu bình quân hàng năm. Cụ thể như sau:

Doanh thu 12 tháng (một năm)

Mức lệ phí môn bài

Nhỏ hơn hoặc bằng 100 triệu đồng

Miễn lệ phí môn bài

Trên 100 đến 300 triệu đồng

300.000 đồng

Từ 300 đến 500 triệu đồng

500.000 đồng

Trên 500 triệu đồng

1.000.000 đồng

Có thể bạn đang tìm: Thuế môn bài hộ kinh doanh cá thể

Thời điểm xác đinh doanh thu tính thuế môn bài

Hiện nay, theo quy định hộ kinh doanh mới thành lập sẽ được miễn thuế môn bài năm đầu tiên nên thời điểm bắt đầu tính doanh thu là từ tháng 01 năm tiếp theo sau năm thành lập.

Ví dụ: Anh A thành lập hộ kinh doanh kinh doanh sửa chữa máy vi tính vào tháng 15/10/2022. Anh A sẽ được miễn thuế môn bài năm 2022 và thời điểm bắt đầu tính doanh thu tính thuế môn bài từ ngày 01/01/2023.

Tính thuế khoán hộ kinh doanh

Thuế khoán là một loại thuế áp dụng cho hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh, do mức thuế thấp khó xác định rõ ràng nên cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định một khoản thuế tương ứng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần phải nộp.

Để áp dụng thuế khoán vào quá trình hoạt động kinh doanh một cách chính xác và hiệu quả nhất, chúng ta cần biết rõ các đối tượng nào được áp dụng thuế khoán.

Căn cứ vào khoản 8 Điều 3, Điều 7 Thông tư số 40/2021/TT-BTC quy định thuế khoán áp dụng cho các hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trừ hai trường hợp sau:

  • Hộ kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai. Phương pháp kê khai áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa có quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
  • Hộ kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh. Khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Ví dụ: cá nhân kinh doanh lưu động, cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân…

Có thể bạn quan tâm: Một số lưu ý về thuế khoán

Tính thuế giá trị gia tăng

Xác định thuế GTGT theo công thức sau:

Số thuế GTGT phải nộp   =   Doanh thu tính thuế GTGT  x  Tỷ lệ tính thuế GTGT

Trong đó:

Doanh thu tính thuế bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền sản xuất, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Bao gồm cả:

  • Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mãi, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng ;

Có thể bạn chưa biết: Thuế giá trị gia tăng là gì và các quy định về thuế GTGT

Tỷ lệ tính thuế GTGT phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà hộ kinh doanh kinh doanh. Có 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính tương ứng với 4 tỷ lệ tính thuế GTGT khác nhau.

  • Nhóm 1: Phân phối, cung cấp hàng hóa có tỷ lệ tính thuế GTGT là 1%. Bao gồm: các hoạt động bán buôn, bán lẻ các loại hàng hóa như bán tạp hóa, bán thực phẩm, bán máy móc và đồ dùng gia dụng, bán phụ tùng xe máy, bán mỹ phẩm…

Ví dụ: Tạp hóa A kinh doanh có doanh thu là 100.000.000 đồng/tháng thì số thuế GTGT phải nộp là 100.000.000 x 1% = 1.000.000 đồng/tháng.

  • Nhóm 2: Gồm các đối tượng có tỷ lệ tính thuế GTGT là 3%. Bao gồm:
  • Sản xuất, gia công, chế biến hàng hóa như: Xưởng cơ khí, xẻ gỗ, chế biến bánh và đóng gói…
  • Vận tải hàng hóa và hành khách
  • Dịch vụ ăn uống
  • Dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị, xe máy, xe ôtô
  • Dịch vụ xây dựng lắp đặt bao thầu nguyên liệu

Ví dụ: Quán trà sữa A kinh doanh có doanh thu một tháng là 100.000.000 đồng thì số thuế GTGT phải nộp là 100.000.000 x 3% = 3.000.000 đồng/tháng.

  • Nhóm 3: Ngành dịch vụ và xây dựng có tỷ lệ tính thuế GTGT là 5%. Bao gồm:
  • Dịch vụ lưu trú gồm có khách sạn, nhà nghỉ, homestay…
  • Dịch vụ bốc xếp hàng hóa và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải như kinh doanh bến bãi, bán vé…
  • Dịch vụ môi giới, đấu giá và hoa hồng đại lý;
  • Dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, internet, game;
  • Dịch vụ cắt tóc, làm đầu, gội đầu; may đo, giặt là;
  • Dịch vụ sửa chữa gồm: sửa chữa máy vi tính và đồ dùng gia đình;
  • Dịch vụ tư vấn, thiết kế, giám sát thi công xây dựng;
  • Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu.

Ví dụ: Quán karaoke B kinh doanh có doanh thu tính thuế một tháng là 100.000.000 đồng thì số thuế GTGT phải đóng là 100.000.000 x 5% = 5.000.000 đồng/tháng.

  • Nhóm 4: Cho thuê tài sản có tỷ lệ tính thuế GTGT là 5%. Bao gồm:
  • Cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi (ngoại trừ dịch vụ lưu trú);
  • Cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị;
  • Cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.

Ví dụ: Nhà xưởng B cho thuê có doanh thu 100.000.000 đồng/tháng. Mỗi tháng phải đóng số thuế GTGT là: 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, tỷ lệ tính thuế GTGT của các ngành nghề kinh doanh khác được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC.

Bên cạnh đó, bạn lưu ý những trường hợp sau đây không cần nộp thuế GTGT:

  • Hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, chịu thuế GTGT 0%, không phải kê khai tính nộp thuế GTGTtheo quy định của Luật Thuế GTGT; 
  • Thu nhập từ hoạt động hợp tác kinh doanh với đơn vị đã kê khai, nộp thuế GTGT.
Cách tính các loại thuế hộ kinh doanh cá thẻ phải nộp
Cách tính các loại thuế hộ kinh doanh cá thẻ phải nộp

Cách tính thuế thu nhập cá nhân

Xác định thuế TNCN theo công thức sau:

Số thuế TNCN phải nộp  =   Doanh thu tính thuế TNCN    x    Tỷ lệ tính thuế TNCN

Trong đó:

Doanh thu tính thuế TNCN bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền sản xuất, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Gồm cả:

  • Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mãi, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền;
  • Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng;
  • Các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác.

Tỷ lệ tính thuế TNCN phụ thuộc vào hàng hóa, dịch vụ mà hộ kinh doanh kinh doanh. Có 4 nhóm ngành, nghề kinh doanh chính tương ứng với 4 tỷ lệ tính thuế TNCN khác nhau:

STT

Nhóm ngành kinh doanh

Tỷ lệ tính thuế TNCN

1

Phân phối, cung cấp hàng hóa

0.5%

2

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu

1.5%

3

Ngành dịch vụ và xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu

2%

4

Cho thuê tài sản

5%

Ngoài ra, tỷ lệ tính thuế TNCN của các ngành nghề kinh doanh khác được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC.

*Lưu ý:

Doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

Ví dụ: Hộ kinh doanh của ông A nộp thuế theo phương pháp khoán. Năm 2020 Hộ kinh doanh ông A chỉ hoạt động 8 tháng, với tổng doanh thu thực tế là 80 triệu (trung bình 10 triệu/tháng) thì doanh thu tương ứng của một năm (12 tháng) là 120 triệu đồng (>100 triệu đồng). Như vậy, Ông A phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN tương ứng với doanh thu thực tế phát sinh là 80 triệu đồng.

Thời điểm xác định doanh thu tính thuế khoán

Có 2 cách xác định doanh thu tính thuế:

  • Hộ kinh doanh tự xác định doanh thu tính thuế khoán trong năm: thực hiện kê khai doanh thu sản lượng dự kiến trung bình một tháng trong năm trên Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.
  • Hộ kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu và xác định mức thuế khoán bằng cách căn cứ vào mức bình quân các cơ sở kinh doanh cùng lĩnh vực và trong cùng khu vực với hộ kinh doanh đó.

Ví dụ: Hộ kinh doanh của Ông A kinh doanh nhà trọ. Khi đăng ký kinh doanh ông A không xác định được doanh thu tính thuế nên cơ quan thuế ấn định doanh thu tính thuế khoán của ông A là 40.000.000 đồng/tháng.

(Theo quy định ở danh mục tại Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC, dịch vụ lưu trú có tỷ lệ tính thuế là 7% bao gồm tỷ lệ tính thuế GTGT là 5%, tỷ lệ tính thuế TNCN là 2%).

Doanh thu 12 tháng của ông A = 40.000.000 x 12 = 480.000.000

Vì doanh thu nằm trong mức từ 300 triệu đến 500 triệu. Mức thuế khoán ông A phải nộp là:

  • Lệ phí môn bài phải nộp: 500.000 đồng/năm
  • Số thuế GTGT và TNCN phải nộp: 40.000.000 x 7% = 2.800.000 đồng/tháng

Một số câu hỏi về thuế hộ kinh doanh cá thể

Làm sao để xác định mức thuế khoán mà hộ kinh doanh phải nộp?

Thuế khoán được xác định dựa theo những căn cứ sau:

  • Hồ sơ khai thuế do tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế.
  • Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
  • Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã.
  • Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.

Khi nào phải nộp hồ sơ khai thuế?

Thời điểm nộp hồ sơ khai thuế được quy định như sau:

  • Chậm nhất là vào ngày 15 tháng 12 năm trước liền kề năm tính thuế.
  • Hộ khoán mới ra kinh doanh (kể cả hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán), hoặc hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai, hoặc hộ khoán thay đổi ngành nghề, hoặc hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì chậm nhất là vào ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, hoặc chuyển đổi phương pháp tính thuế, hoặc thay đổi ngành nghề, hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.
  • Hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh chậm nhất là vào ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.

Hộ kinh doanh được miễn thuế môn bài khi nào?

Những trường hợp hộ kinh doanh miễn thuế môn bài:

  • Năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh;
  • Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống;
  • Hộ kinh doanh sản xuất muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá;
  • Cá nhân, hộ gia đình kinh doanh không thường xuyên, không có địa điểm cố định.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710