Luật sư tư vấn về trường hợp công ty không trả lương cho người lao động? Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, một số người sử dụng lao động, do lòng tham của mình đã sử dụng nhiều cách thức nhằm từ chối, trốn tránh trả lương cho người lao động. Vậy người lao động cần phải làm gì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp này?
Tiền lương theo hợp đồng lao động là gì?
Quy định tại Điều 13, khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương là số tiền mà người lao động được trả theo thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc/chức danh, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác.
Tìm hiểu thêm: Không trả lương cho người lao động
Nguyên tắc về trả lương
Căn cứ quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019, nguyên tắc trả lương được quy định như sau:
- Người sử dụng lao động trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận trực tiếp thì có thể ủy quyền cho người khác nhận lương.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế/can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không ép buộc người lao động chi lương của mình vào việc mua hàng hóa; sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động của mình hoặc của đơn vị khác do mình chỉ định.
Việc trả lương được quy định tại Điều 95 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào vào tiền lương đã thỏa thuận giữa các bên, năng suất lao động của người lao động và chất lượng thực hiện công việc. Căn cứ vào tính chất công việc, điều kiện sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận và ghi nhận trong hợp đồng lao động về việc tính lương theo thời gian, theo sản phẩm hay tính lương khoán.
- Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Việt Nam, có thể trả bằng ngoại tệ trong trường hợp người lao động là người nước ngoài. Người sử dụng lao động lựa chọn và ghi hình thức trả lương bảo đảm tiền lương được trả gắn với kết quả công việc.
- Mỗi lần trả tiền lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó: ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền khấu trừ (nếu có).
Khi không được người sử dụng lao động trả lương đúng hạn, người lao động phải làm gì? Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của minh, người lao động có thể áp dụng các biện pháp sau:
Thực hiện việc khiếu nại
- Khiếu nại lần đầu bằng hình thức trực tiếp hoặc gửi đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động, yêu cầu giải quyết việc trả lương trong thời hạn 180 ngày kể từ khi biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.
- Khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính, khi người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; thời hạn giải quyết không quá 45 ngày đối với vụ việc phức tạp, kể từ ngày thụ lý mà khiếu nại không được giải quyết.
Yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết
- Người lao động có quyền gửi yêu cầu để được giải quyết tranh chấp thông qua Hòa giải viên lao động (Điều 188 Bộ luật Lao động 2019).
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải tranh chấp và yêu cầu trả tiền lương theo thỏa thuận là 06 tháng kể từ ngày người lao động phát hiện ra hành vi không trả lương đúng hạn của người sử dụng lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu của người lao động.
- Trong trường hợp các bên có thể thỏa thuận được với nhau về tranh chấp, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành, biên bản có chữ ký của các bên tranh chấp và chữ ký của hòa giải viên lao động.
- Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên tiến hành đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trong trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản phải có chữ ký các bên trong tranh chấp và chữ ký của hòa giải viên lao động.
- Trường hợp hòa giải không thành hoặc hòa giải thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện/hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động/Tòa án giải quyết.
- Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết:
- Chỉ dùng cách này khi đã tiến hành hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động. Tranh chấp chỉ được giải quyết bằng Hội đồng trọng tài lao động khi cả hai bên đồng ý lựa chọn, các bên đồng thời không được yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp này là 09 tháng kể từ ngày người lao động phát hiện ra hành vi không trả lương đúng hạn của người sử dụng lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
- Ban trọng tài lao động phải giải quyết yêu cầu trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp.
- Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp, gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập Ban trọng tài lao động.
- Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc không ra quyết định giải quyết tranh chấp trong thời hạn nêu trên, thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Một trong các bên không thi hành quyết định về việc giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 188, Điều 219 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp về tiền lương phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên lao động. Khi các bên hòa giải thành nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng/hòa giải không thành/hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì người lao động có quyền khởi kiện tại TAND có thẩm quyền.
- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm của người sử dụng lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
- Có thể khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định Luật Tố tụng hành chính đối với các trường hợp: Người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai nhưng người bị khiếu nại không tiến hành giải quyết. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được thực hiện theo Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015
Người sử dụng lao động khi có hành vi không trả lương cho người lao động, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Hình thức xử phạt: phạt tiền đối với hành vi không trả tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, mức phạt sẽ thay đổi phụ thuộc vào số lượng người lao động bị người sử dụng lao động có hành vi vi phạm
- Có hành vi vi phạm đối với từ 01 – 10 người lao động, mức phạt từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng;
- Có hành vi vi phạm đối với từ 11 – 50 người lao động, mức phạt từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng;
- Có hành vi vi phạm đối với từ 51 – 100 người lao động, mức phạt từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng;
Ngoài ra, người sử dụng lao động phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: trả đủ tiền lương cộng với tiền lãi của số tiền lương chậm trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại, nhà nước công bố tại thời điểm bị xử phạt.
Xem thêm: Không trả đủ lương cho người lao động bị xử lý thế nào?
Trên đây, là ý kiến tư vấn của Luật Thành Công đối với yêu cầu pháp lý của các bạn gửi đến chúng tôi. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan đến quyền lợi của người lao động hãy liên hệ hotline 1900.633.710 để được hỗ trợ tư vấn nhé.