zalo-icon
phone-icon

CHỦ THỂ CỦA HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG LÀ AI?

Chủ thể của hợp đồng lao động là căn cứ quan trọng để giải quyết khi các bên giao kết phát sinh tranh chấp, vậy những vấn đề liên quan trong hợp đồng lao động là gì? Thông qua bài viết này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hợp đồng lao động một cách chặt chẽ, rõ ràng về các điều khoản và đúng pháp luật hiện hành.

Hợp đồng lao động là gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên tham gia giao kết hợp đồng, cụ thể ở này là người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận với nhau về làm việc có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động.

Đối với trường hợp hai bên có thỏa thuận về hợp đồng bằng thuật ngữ tên gọi khác nhưng trong đó có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì văn bản đó vẫn được coi là hợp đồng lao động. 

Như vậy khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Việc sử dụng hợp đồng lao động nhằm mục đích ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Có thể bạn quan tâm: Lương tháng 13 là gì? Được pháp luật quy định như thế nào? 

Chủ thể của hợp đồng lao động là gì?

Từ định nghĩa của hợp đồng lao động ta có thể nhận ra chủ thể của hợp đồng lao động là người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó người sử dụng lao động bao là người làm việc theo sự thỏa thuận đã đề cập rõ về điều khoản liên quan đến tiền lương, điều kiện làm việc, nghĩa vụ và quyền lợi của người sử dụng lao động. Về độ tuổi lao động của người lao động là từ đủ 15 tuổi, có khả năng lao động, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật Lao động. Còn người sử dụng lao động ở đây có thể là doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; đối với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ thể hợp đồng

Theo quy định Bộ luật lao động năm 2019 về chủ thể của hợp đồng lao động là người có các quyền và nghĩa vụ của hợp đồng lao động được quy định cụ thể như sau:

Quyền lợi

Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động và người sử dụng lao động đều có mỗi quyền lợi riêng khi giao kết hợp đồng với nhau.

  • Đối với người lao động, căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau:

Thứ nhất, người lao động phải được lựa chọn công việc phù hợp theo quyền tự do như lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề,… phù hợp với trình độ, tình trạng sức khỏe của bản thân. Hơn nữa người lao động không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Thứ hai, người lao động được hưởng mức lương tương xứng với trình độ, kỹ năng nghề dựa trên sự thỏa thuận cam kết trong hợp đồng lao động với người sử dụng lao động. Bên cạnh đó người lao động phải được hưởng chế độ nghỉ ngơi, nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;

Thứ ba, người lao động làm việc một cách bình đẳng, có quyền tham gia đoàn thể bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Người lao động còn có thể thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

Tìm hiểu thêm: Xử phạt như thế nào khi không ký kết hợp đồng lao động 

Thứ tư, người lao động có quyền từ chối làm việc trong trường hợp công việc có khả năng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tình trạng sức khỏe trong quá trình làm việc.

Và cuối cùng, người lao động còn có quyền tham gia đình công ôn hòa; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; ngoài ra người lao động còn có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

  • Đối với người sử dụng lao động, căn cứ tại khoản 1 Điều 6 Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau:

Người sử dụng lao động tổ chức tuyển dụng lao động tự do; bên cạnh đó người sử dụng lao động còn có thể khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động theo đúng quy định của Bộ luật lao động hiện hành. Người sử dụng lao động phải luôn bình đẳng trong thương lượng ký kết, thỏa thuận cùng tập thể người lao động. Được quyền yêu cầu phía người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động thực hiện đúng cam kết, đối thoại bình đẳng. Họ còn có quyền đóng cửa tạm thời cơ sở làm việc hoặc thành lập hay gia nhập những tổ chức đại diện cho phía sử dụng lao động phù hợp với quy định pháp Luật. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn có các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Nghĩa vụ

Tương ứng với những quyền lợi được hưởng của mỗi bên luôn là những nghĩa vụ mà cả người lao động và người sử dụng lao động cần tuân thủ thực hiện.

Đối với người lao động, căn cứ tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau: người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; người lao động chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Và cuối cùng người lao động phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.

So với nghĩa vụ của người lao động thì người sử dụng lao động với những trọng trách nghĩa vụ nhiều hơn chẳng hạn như: Người sử dụng lao động cần phải tuân thủ thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng quyền lợi của người lao động; bên cạnh đó người lao động còn tạo cơ chế đối thoại bình đẳng, tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động; tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động; người sử dụng lao động cần thực hiện đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động; thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Xem thêm: Quy định của pháp luật Việt Nam về người lao động là người khuyết tật

Điều kiện về chủ thể của hợp đồng:

Cả người sử dụng lao động và người lao động khi tham gia vào giao kết hợp đồng lao động đều có những điều kiện khác nhau theo quy định tại Điều 18 Bộ luật lao động 2019 cụ thể được quy định như sau:

Nếu chủ thể của hợp đồng lao động là cá nhân:

 Trong trường hợp chủ thể của hợp đồng là cá nhân thì cá nhân này phải đảm bảo phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự cá nhân. Như vậy, đối với các hợp đồng lao động thông thường thì người từ 18 tuổi trở lên có thể tự mình tham gia giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi giao kết hợp đồng lao động thì cần có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện pháp luật của người đó hoặc nếu người lao động chưa đủ 15 tuổi thì khi giao kết hợp đồng lao động cần phải có cả người đại diện pháp luật của người đó.

Nếu là tổ chức (pháp nhân):

Trong trường hợp chủ thể của hợp đồng là pháp nhân thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân đó thể hiện qua việc pháp nhân đó các quyền, nghĩa vụ dân sự. Như vậy, để một tổ chức được coi là pháp nhận khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Thứ nhất, được thành lập theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan;
  • Thứ hai, Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật dân sự 2015
  • Thứ ba, có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Thứ tư, nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Khi tổ chức tham gia giao kết hợp đồng thì phải thông qua người đại diện pháp luật của tổ chức đó. Bởi pháp nhân vừa phải đáp ứng điều kiện đối với cá nhân và lại phải là người đại diện hợp pháp của tổ chức đó (hoặc có thể là người đại diện pháp luật theo ủy quyền). Hoặc cũng có thể là người đứng đầu của cơ quan tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật (hoặc có thể là người đại diện pháp luật theo ủy quyền).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710