zalo-icon
phone-icon

Các loại biển báo giao thông? Ý nghĩa các biển báo giao thông tại Việt Nam

Việc nắm rõ các biển báo giao thông, hiểu ý nghĩa các biển báo sẽ giúp người tham gia giao thông chấp hành đúng luật, hướng đến bảo vệ an toàn bản thân và người khác. Bài viết sau đây của Luật Thành Công sẽ cung cấp cho các bạn kiến thức về các loại biển báo giao thông tại Việt Nam và ý nghĩa của chúng.

Biển báo giao thông là gì?

Quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, hệ thống báo hiệu đường bộ gồm: hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, biển báo hiệu, tín hiệu đèn giao thông, cọc tiêu, vạch kẻ đường, tường bảo vệ, rào chắn.

Biển báo giao thông thuộc các đối tượng được xem là hệ thống báo hiệu đường bộ. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, vẫn chưa có quy định cụ thể về khái niệm biển báo giao thông. Chúng ta chỉ có thể hiểu một cách khái quát rằng: biển báo giao thông là các bảng biểu được thể hiện bằng các màu sắc, hình dáng khác nhau, đặt ở dọc đường dùng để truyền đạt thông tin về đoạn đường, tốc độ,… mà người tham gia giao thông cần lưu ý.

Cần lưu ý rằng, trong trường hợp một vị trí đã gắn biển báo cố định, lại có thêm biển khác mang tính chất tạm thời, mà 02 biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành biển báo có tính chất tạm thời. Vì biển có tính chất tạm thời là biển mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông, có tính chất ngắn hạn, sử dụng trong một số trường hợp như: có các sự kiện, sự cố giao thông, thi công hoặc sửa chữa đường.

Các loại biển báo giao thông

Căn cứ khoản 4 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008, biển báo giao thông được chia thành các loại sau:

  • Biển báo cấm;
  • Biển hiệu lệnh;
  • Biển báo nguy hiểm;
  • Biển chỉ dẫn;
  • Biển phụ.
Các loại biển báo giao thông
Các loại biển báo giao thông

Ý nghĩa các biển báo giao thông

Như đã trình bày ở trên, theo quy định pháp luật hiện hành, có 05 loại biển báo, mỗi loại biển báo sẽ có ý nghĩa riêng biệt được trình bày tại Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT

  • Nhóm biển báo cấm: biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được vi phạm.

Nhận dạng: chủ yếu có hình tròn, viền đỏ, nền trắng, trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện điều cấm. Có một số trường hợp đặc biệt.

  • Nhóm biển hiệu lệnh: báo các hiệu lệnh phải chấp hành. Người tham gia giao thông phải chấp hành các hiệu lệnh trên biển báo (trừ một số biển đặc biệt).

Nhận dạng: hình tròn trên nền xanh lam có hình vẽ màu trắng đặc trưng cho hiệu lệnh nhằm báo cáo cho người tham gia giao thông.

  • Nhóm biển báo nguy hiểm và cảnh báo: dùng để báo cho người tham gia giao thông biết trước các nguy hiểm trên đường, giúp họ chủ động phòng ngừa kịp thời.

Nhận diện: hình tam giác đều, nền vàng, viền đổ, trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần được báo hiệu.

  • Nhóm biển chỉ dẫn: dùng để cung cấp thông tin và các chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông.

Nhận diện: chủ yếu có hình chữ nhật hoặc hình vuông, hình mũi tên, nền màu xanh.

  • Nhóm biển phụ, biển viết bằng chữ: nhằm thuyết minh bổ sung nội dung nhóm biển theo quy định pháp luật hoặc sử dụng độc lập.

Các loại biển báo giao thông đường bộ bạn cần nhớ

Như đã trình bày về các loại biển báo và ý nghĩa của từng loại bên trên, khi tham gia giao thông, người dân cần phải biết, hiểu và vận dụng các kiến thức đó để có thể tuân thủ tuyệt đối pháp luật giao thông đường bộ. Điều này góp phần giữ gìn trật tự giao thông và đảm bảo an toàn cho chính người tham gia giao thông.

Biển báo cấm

Quy định tại khoản 15.1 Điều 15 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm được mô tả như sau:

  • Hình tròn
  • Viền đỏ
  • Nền màu trắng
  • Trên nền có hình vẽ hoặc chữ số, chữ viết màu đen thể hiện nội dung cấm

Có thể một số trường hợp đặc biệt.

Biển báo này nhằm biểu thị các điều mà người tham gia giao thông không được vi phạm. Ví dụ: đường cấm, cấm đi ngược chiều, cấm xe ô tô và xe máy, cấm ô tô quay đầu xe, cấm xe ô tô tải,… là các nội dung cấm mà người tham gia giao thông thường gặp.

Biển báo nguy hiểm

Quy định tại khoản 15.3 Điều 15 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo nguy hiểm được mô tả như sau:

  • Chủ yếu có hình tam giác đều
  • Viền đỏ
  • Nền màu vàng
  • Trên có hình vẽ màu đen mô tả sự việc cần báo hiệu

Khi gặp biển báo này, người tham gia giao thông cần chú ý, giảm tốc độ, quan sát kỹ và sẵn sàng xử lý tình huống có thể sẽ xảy ra theo biển cảnh báo, nhằm  phòng ngừa tai nạn.

Ví dụ: biển báo công trường; cầu hẹp; chỗ ngoặt nguy hiểm; đường trơn; đoạn đường hay xảy ra tai nạn,… là một số biển báo nguy hiểm thường thấy.

Biển hiệu lệnh

Quy định tại khoản 15.2 Điều 15 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển hiệu lệnh được mô tả như sau:

  • Hình tròn
  • Nền xanh lam
  • Trên nền có hình vẽ màu trắng

Đây là loại biển báo thể hiện các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông buộc phải chấp hành. Một số biển báo hiệu lệnh thường thấy như: Hướng đi trên mỗi làn đường theo vạch kẻ đường; tuyến đường cầu vượt cắt qua; các xe chỉ được rẽ phải; tốc độ tối thiểu cho phép,…

Biển chỉ dẫn

Quy định tại khoản 15.4 Điều 15 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển chỉ dẫn được mô tả như sau:

  • Hình chữ nhật hoặc hình vuông hoặc hình mũi tên
  • Nền màu xanh

Loại biển báo này dùng để cung cấp thông tin, chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Một số biển chỉ dẫn mà người tham gia giao thông thường gặp: khu vực quay xe; đường một chiều; nơi đỗ xe; chỉ dẫn địa giới,…

Biển báo phụ

Biển báo phụ được mô tả như sau:

  • Hình chữ nhật, hình vuông
  • Nền màu trắng
  • Hình vẽ, chữ viết màu đen. Trong trường hợp nền màu xanh lam thì chữ viết màu trắng.

Các biển này thường dùng để thuyết minh bổ sung nội dung các biển chỉ dẫn, biển báo nguy hiểm, biển báo cấm, biển báo hiệu lệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp loại biển này được sử dụng độc lập. Ví dụ: biểu thị thời gian, loại xe, hướng tác dụng của biển, khoản cách đến đối tượng báo hiệu,… là một số loại biển phụ thường gặp.

Vạch kẻ đường

Quy định tại Điều 52 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.

Vạch kẻ đường có thể được sử dụng độc lập (người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của vạch kẻ đường) hoặc kết hợp với các loại biển báo hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông (người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả vạch kẻ đường và đèn tín hiệu, biển báo hiệu theo thứ tự luật định).

Vạch kẻ đường bao gồm: các loại vạch, chữ viết, hình vẽ ở trên mặt đường, trên thành vỉa hè,… để quy định trật tự giao thông, chỉ hướng quy định của làn đường xe chạy.

  • Dựa vào vị trí sử dụng, vạch kẻ đường được chia thành 02 loại: vạch trên mặt bằng và vạch đứng.
  • Dựa vào phương pháp kẻ, vạch kẻ đường được chia thành 03 loại: vạch dọc đường, vạch ngang đường, các loại vạch khác.
  • Dựa vào hình dáng, kiểu, vạch kẻ đường được chia thành 02 loại: vạch trên mặt đường, trên thành vỉa hè hoặc ở ranh giới phân cách làn xe.

Biển báo trên đường cao tốc

Biển báo trên đường cao tốc có chức năng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người điều khiển phương tiện nhằm lái xe an toàn trên đường cao tốc, đi đến địa điểm mong muốn, cụ thể: chỉ dẫn địa điểm, hướng đi, khoảnh cách đến các thành phố, thị xã; chỉ dẫn tên đường và hướng tuyến; chỉ dẫn tách, nhập làn khi đi ra, vào đường cao tốc; thông báo chuẩn bị tới nút giao, lối ra phía trước,…

Biển báo trên đường cao tốc phải đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Nội dung ngắn gọn, dễ hiểu; ưu tiên sử dụng ký hiệu, số hiệu và hình vẽ minh họa;
  • Kích cỡ chữ viết, ký hiệu, chữ số phải đảm bảo người điều khiển phương tiện có thể nhìn rõ và nắm bắt được từ khoảng cách ít nhất 150m trong điều kiện thời tiết bình thường;
  • Biển báo phải được gián phản quang, đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia;
  • Kích thước biển chỉ dẫn trên đường cao tốc được xác định trên cơ sở diện tích cần thiết để bố trí nội dung thông tin chỉ dẫn.

Nội dung biển chỉ dẫn đường cao tốc được tổ hợp từ một hoặc nhiều thông tin: ký hiệu đường bộ; địa danh; mũi tên chỉ hướng, mũi tên chỉ làn xe, chữ viết, chữ số, hình vẽ,… và các ký hiệu khác.

Dấu hiệu nhận biết biển chỉ dẫn trên đường cao tốc:

  • Biển có tính chất chỉ dẫn giao thông: chữ viết, chữ số và hình vẽ trên biển được thể hiện bằng màu trắng; nền màu xanh lá cây, đường viền mép biển màu trắng.
  • Biển có tính chất chỉ dẫn dịch vụ công cộng: chữ viết, chữ số và hình vẽ được thể hiện bằng màu trắng; nền màu xanh lam và đường viền mép biển là màu trắng.
  • Biển có tính chất chỉ dẫn cảnh báo: chữ viết, chữ số, hình vẽ được thể hiện bằng màu đen; nền màu vàng huỳnh quang và đường viền mép biển là màu đen.
  • Biển có tính chất chỉ dẫn giải trí: chữ viết, chữ số, hình vẽ được thể hiện bằng màu trắng; nền màu nâu và đường viền mép biển là màu trắng.

Một số hình dáng phổ biến của biển báo giao thông

  • Biển báo giao thông hình tròn: hình dáng biển này là các biển báo thuộc nhóm biển báo cấm và biển hiệu lệnh.

Với đặc trưng về màu sắc, người điều khiển phương tiện dễ dàng nhận biết biển báo thuộc nhóm biển cấm, biển báo nào thuộc nhóm biển hiệu lệnh. Cụ thể như sau:

  • Biển báo hình tròn có viền đỏ nền trắng hoặc xanh là các biển báo cấm, thể hiện những điều mà người tham gia giao thông không được vi phạm.
  • Biển báo hình tròn nền xanh, hình vẽ trên biển màu trắng là các biển báo hiệu lệnh, thể hiện các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông bắt buộc phải chấp hành.
  • Biển báo giao thông hình tam giác: hình dáng biển này thuộc nhóm biển nguy hiểm và cảnh báo, được đặt trên đường để thông báo cho người tham gia giao thông biết những nguy hiểm và chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống được cảnh báo.
  • Biển báo giao thông hình vuông: hình dáng biển này thuộc nhóm biển chỉ dẫn hoặc biển phụ.
  • Biển báo giao thông hình chữ nhật: so với các biển báo có hình dáng khác, hình dáng biển báo này xuất hiện ở tất cả các nhóm biển báo cơ bản. Trong đó chủ yếu là nhóm biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn.
  • Biển báo giao thông hình thoi: trong Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo có hình thoi gồm: Bắt đầu đường ưu tiền và Kết thúc đường ưu tiên.

Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về biển báo giao thông

Cơ quan nào có quyền đặt biển báo giao thông?

Căn cứ khoản 2 Điều 37 Luật Giao thông đường bộ 2008, cơ quan có quyền đặt biển báo giao thông là:

  • Đối với hệ thống quốc lộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức.
  • Đối với các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của mình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 1 Điều 20 Thông tư 32/2014/TT-BGTVT, trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công thì Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã sẽ có quyền tổ chức giao thông, đối với các tuyến đường giao thông nông thôn (trong hoạt động tổ chức giao thông đó có bao gồm việc bố trí, lắp đặt biển báo giao thông).

Hiệu lực của biển báo giao thông?

Điều 19 Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT quy định về hiệu lực của biển báo như sau:

  • Đối với loại biển báo nuy hiểm và cảnh báo; biển chỉ dẫn có giá trị trên các làn đường của chiều xe chạy.
  • Đối với loại biển báo cấm; biển hiệu lệnh có giá trị trên tất cả các làn đường hoặc chỉ có có giá trị trên một/một số làn đường theo biển báo trên đường.
  • Trong trường hợp sử dụng biển báo độc lập, người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa của biển báo. Khi sử dụng kết hợp với đèn tín hiệu thì người tham gia giao thông phải tuân theo ý nghĩa, hiệu lệnh của cả biển báo, đèn tín hiệu theo thứ tự luật định.

Mức độ xử phạt khi không tuân thủ biển báo giao thông?

Người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạm vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) khi không chấp hành chỉ dẫn của hệ thống biển báo giao thông. Điển hình như sau:

  • Căn cứ điểm a khoản 1; điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định này, mức phạt tiền đối với ô tô vi phạm là: 300.000 – 400.000 đồng; trong trường hợp ô tô vi phạm và gây tai nạn thì Tước Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.
  • Căn cứ điểm a khoản 1; điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định này, mức phạt tiền đối với xe máy vi phạm là: 100.000 – 200.000 đồng; trong trường hợp xe máy vi phạm và gây tai nạn thì Tước Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng.

Có thể bạn quan tâm: Chi tiết 12 điểm mới về mức phạt vi phạm giao thông

Để biết nội dung chi tiết, người tham gia giao thông cần xem quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mà chúng tôi đã dẫn chiếu như trên.

Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, liên hệ ngay: Tổng đài tư vấn luật giao thông miễn phí Luật Thành Công

Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến biển báo giao thông mà chúng tôi cung cấp. Nếu Qúy khách hàng gặp vướng mắc trong lĩnh vực giao thông hoặc bất kì lĩnh vực pháp lý nào khác, Qúy khách hàng vui lòng liên hệ hotline để được tư vấn chính xác, kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710