zalo-icon
phone-icon

Xử lý trường hợp vi phạm quyền lợi của người lao động

Xử lý trường hợp vi phạm quyền lợi của người lao động, trường hợp này công ty hay người sử dụng lao động vi phạm về quyền lợi của người lao động thì theo pháp luật sẽ xử lý như thế nào? Khi công ty hay người sử dụng lao động không tuân thủ quy định, có hành vi xâm phạm lợi ích của người lao động thì phải làm gì?

Luật Thành Công đã nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề liên quan đến xử lý vi phạm quyền lợi của người lao động, đơn cử như câu hỏi sau:

Câu hỏi tư vấn:

Hiện tại, tôi đang làm việc cho một công ty Nhật Bản ở tỉnh X. Công ty bắt tôi tăng ca làm đến 18h30, công ty còn đóng cổng không cho về. Công ty có quy mô dưới 100 công nhân viên nên không có công đoàn, không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Khi tôi vừa sinh con xong sức khỏe còn rất yếu nhưng công ty không cho nghỉ dưỡng sức mà bắt tôi phải đi làm. Giờ tôi phải làm gì để lấy lại quyền lợi? Xin cảm ơn.

  1. Cơ sở pháp lý
  • Bộ luật lao động 2019;
  • Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
  1. Nội dung tư vấn

Làm thêm giờ tức là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường phù hợp với quy định pháp luật được đề cập cụ thể tại thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

          Căn cứ khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động 2019 quy định về người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cụ thể sau đây:

Thứ nhất, cần phải được sự đồng ý làm thêm giờ của người lao động.

Thứ hai, người sử dụng lao động phải bảo đảm được đúng số giờ làm thêm của người lao động là không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng.

Thứ ba, người sử dụng lao động phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động 2019.

          Như vậy, nếu như người sử dụng lao động muốn người lao động làm thêm giờ thì cần đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở trên. Hơn hết là phải được người lao động đồng ý.

          Trường hợp của bạn, công ty yêu cầu bạn tăng ca, làm thêm giờ nhưng không được sự đồng ý từ bạn thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn cần kiến nghị công ty về hành vi này theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp nếu như công ty không giải quyết, vẫn bắt bạn tăng ca, làm thêm giờ thì bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án để được giải quyết theo pháp luật.

          Ngoài ra, căn cứ tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cụ thể như sau:

       Thứ nhất, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, nếu trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe vẫn chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ thêm từ 05 ngày đến 10 ngày.

Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp nếu như thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước được chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.

Thứ hai, số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe đối với lao động nữ sinh con được quy định cụ thể như sau:

  • Đối với lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên thì thời gian nghỉ dưỡng tối đa là 10 ngày;
  • Đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật lên thì thời gian nghỉ dưỡng tối đa là 07 ngày;
  • Đối với các trường hợp khác thì thời gian nghỉ dưỡng tối đa là 05 ngày.

Thứ ba, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Như vậy, theo quy định trên, đối với lao động nữ sau sinh con sau khi hưởng chế độ thai sản mà sức khỏe vẫn chưa phục hồi thì việc nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe là bắt buộc, được quy định theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về số ngày nghỉ dưỡng sức và hưởng chế độ dưỡng sức.

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 118 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về khiếu nại về bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:

“Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

Như vậy, bạn có quyền làm đơn kiến nghị gửi đến Giám đốc công ty yêu cầu giải quyết việc không cho bạn nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi sinh con. Trường hợp nếu công ty không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có quyền khởi kiện công ty  tại tòa án nơi công ty có trụ sở hoặc khiếu nại tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho bạn.

Liên hệ ngay Luật sư tư vấn thắc mắc về quyền lợi của người lao động

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Công, hy vọng sẽ giúp bạn giải quyết được vướng mắc bạn gặp phải. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này hãy liên hệ hotline 1900.633.710 để được hỗ trợ tư vấn nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710