Đất là gì? Vì sao phải sử dụng đất hợp lý? Những biện pháp sử dụng đất hợp lý trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước ta hiện nay. Trong phạm vi bài viết dưới đây công ty Luật Thành Công sẽ mang đến cho bạn những thông tin cần thiết về việc phải sử dụng hợp lý đất đai trong giai đoạn hiện nay.
Khái niệm đất là gì?
Đất là các vật chất nằm trên bề mặt của Trái Đất. Đất là loại vật chất tồn tại ở thể rắn có khả năng hỗ trợ sự sinh trưởng của các loài thực vật. Hiện nay, đất ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với đời sống của con người khi càng ngày thì dân số trên thế giới ngày càng gia tăng mà diện tích đất ngày càng bị thu hẹp lại do sự biến đổi khí hậu làm mực nước biển ngày càng tăng cao.
Vì sao phải sử dụng đất hợp lý?
Hiện nay, quỹ đất chưa sử dụng ở Việt Nam ngày càng không còn bởi vì việc khai thác đất đai của người sử dụng đất chưa thực sự hợp lý. Chúng ta còn rất lãng phí, chưa biết cách trong việc khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai. Vì vậy, với quá trình phát triển của đất nước thì công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi chúng ta cần phải được nâng cao để tạo cơ sở cho việc sử dụng đất một cách hợp lý nhất tránh lãng phí, bởi những nguyên nhân sau đây:
- Thứ nhất, sử dụng đất một cách hợp lý nhằm hướng đến sự phát triển bền vững với môi trường, thảm thực vật trong lành.
- Thứ hai, đất đai là một phần không thể nào thiếu trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và ngành công nghiệp hiện nay. Trong sản xuất nông nghiệp thì đất được dùng để trồng cây lương thực, trồng cây lấy gỗ, trồng cây cảnh,…Đất đai là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của cây cối. Trong chăn nuôi thì đất cũng đóng một vai trò quan trọng là nơi để động vật phát triển, có quỹ đất rộng, môi trường rộng rãi để động vật phát triển. Trong lĩnh vực công nghiệp thì đất đai có vai trò nhằm làm cơ sở về mặt không gian và vị trí để hoàn thiện quá trình lao động. Ngoài ra trong các giao dịch về bất động sản thì đất đai còn là đối tượng của các hợp đồng mua bán đất tạo nên nguồn kinh tế dồi dào cho cá nhân cũng như tổ chức.
- Thứ ba, đảm bảo được nguồn lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu cho con người. Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay các khu công nghiệp ngày càng phát triển rộng rãi dẫn đến việc quỹ đất dành cho việc sản xuất lương thực, thực phẩm ngày càng giảm xuống. Nếu chúng ta không có quy hoạch, kế hoạch hợp lý thì trong tương lai có thể con người sẽ rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm.
- Thứ tư, đảm bảo về chỗ ở cho con người. Tình trạng dân số ngày càng tăng cao dẫn đến nhu cầu về nhà ở và các công trình công cộng ngày càng nhiều dẫn đến quỹ đất ngày càng bị thu hẹp lại. Trong tương lai có thể dẫn đến việc thiếu chỗ ở cho con người.
- Thứ năm, nguồn tài nguyên thiên nhiên mang lại giá trị cao cho con người. Đất có rất nhiều loại, ngoài loại đất dùng để sử dụng cho các ngành khác thì cũng có những loại đất hiếm dùng để sản xuất hợp kim, làm gốm và những đồ có giá trị khác.
Đất đai là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Do đó, nếu việc sử dụng đất không được quy hoạch một cách hợp lý và phù hợp với từng khu vực cụ thể trong từng giai đoạn phát triển thì nguy cơ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng quỹ đất trong tương lai gần. Chính vì vậy mà mỗi chúng ta cần phải sử dụng quỹ đất một cách hợp lý.
Để xây dựng và sử dụng đất hợp lý cần tuân thủ những nguyên tắc của pháp luật đất đai, cùng tìm hiểu ngay kế hoạch sử dụng đất
Quy định của pháp luật về việc sử dụng đất hợp lý
Căn cứ vào quy định tại Điều 6 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:
“Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
1.Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
- Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Nhà nước ban hành luật và các văn bản pháp lý về đất đai và thiết lập hệ thống các cơ quan quản lý đất từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, đề ra các chủ trương, quy hoạch sử dụng đất đai.
Tìm hiểu thêm: Quản lý đất đai là gì?
Nhà nước ta ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện sống như:
- Chính sách tạo điều kiện cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối có đất để sản xuất, nuôi trồng;
- Khuyến khích cá nhân, tổ chức tích cực phủ xanh đồi trọc, đất trống phục vụ sản xuất nông nghiệp;
- Nghiêm cấm việc cá nhân, tổ chức chuyển nhượng đất trồng lúa nước. Bên cạnh đó, nghiêm cấm mọi hành vi chuyển mục đích từ loại đất này sang sử dụng vào mục đích khác mà chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nghiêm cấm việc cá nhân, tổ chức lấy đất nông nghiệp để mở rộng khu dân cư.
Theo Điều 4 Luật đất đai năm 2013 có quy định về việc sở hữu đất đai như sau: “Đất đai thuộc sở hữu của toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật”
Nhà nước cho phép các cá nhân, tổ chức sử dụng đất dưới sự quản lý, giám sát của nhà nước. Nhà nước có quyền xác lập hình thức pháp lý cụ thể đối với từng người sử dụng đất. Nhà nước quy định về hạn mức giao đất cũng như thời hạn sử dụng đất, quyết định cho thuê đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho người sử dụng đất. Mặt khác, nhà nước còn quyết định giá đất thông qua bảng giá đất và có quyền thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân để phân phối lại đất phù hợp với quy hoạch và nhu cầu sử dụng hoặc nhằm sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng.
Người sử dụng đất có thể chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
Nhà nước còn có chính sách cho thuê đất đối với những đối tượng có nhu cầu sử dụng đất.
Người sử dụng đất hợp pháp gồm những ai?
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai 2013 như sau:
- Tổ chức trong nước bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự;
- Hộ gia đình, cá nhân;
- Cộng đồng dân cư bao gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn;
- Cơ sở tôn giáo bao gồm chùa, nhà thờ, thánh đường, niệm phật đường, nhà nguyện, tu viện, thánh thất, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
- Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao bao gồm cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận;
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Có thể bạn quan tâm: Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Biện pháp sử dụng đất hợp lý
Mỗi chúng ta phải sử dụng đất đai một cách hợp lý và tiết kiệm. Một tình trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay đó chính là tình trạng lãng phí đất trong việc khai thác và sử dụng. Chính vì thế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần phải thật khoa học.
Nhà nước ta cần phải thường xuyên cải tạo đất và phải kết hợp giữa việc sử dụng đất và cải tạo nguồn đất. Ngoài ra cần phải đề ra những kế hoạch sử dụng đất phù hợp với từng địa điểm, khu vực khác nhau.
Nhà nước cần phát động các phong trào phủ xanh đồi trọc, chống xói mòn sạt lở đất đến tận mỗi người dân.
Điều đặc biệt là phải tuyên truyền, giáo dục và phổ biến kiến thức, nâng cao ý thức của người dân trong vấn đề sử dụng và bảo vệ, phát triển đất đai.