zalo-icon
phone-icon

Nội dung, các nguyên tắc trong Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất

Cấu trúc của Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất như thế nào? Có những văn bản nào hướng dẫn Luật Hôn nhân và gia đình? Hãy cùng Luật Thành Công theo dõi bài viết dưới đây.

Nội dung cơ bản của Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất

Kết hôn

Điều kiện để được kết hôn 

(Điều 8)

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do đôi bên cùng tự nguyện quyết định;

– Người kết hôn không bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Nhà nước KHÔNG THỪA NHẬN hôn nhân giữa những người cùng giới tính (đồng tính) (Đây là một điểm tiến bộ so với Luật Hôn nhân và Gia đình cũ khi hôn nhân đồng tính bị CẤM).

Có thể bạn quan tâm: Điều kiện để được công nhận là kết hôn hợp pháp

Đăng ký kết hôn

(Điều 9)

– Phải đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật về hộ tịch. Nếu không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý:

+ Kết hôn giữa hai công dân Việt Nam: đăng ký tại UBND phường, xã nơi một trong hai bên đăng ký thường trú.

+ Kết hôn với người nước ngoài: đăng ký tại UBND quận, huyện.

+ Có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia https://dichvucong.gov.vn hay Cổng dịch vụ công cấp tỉnh https://dichvucong.***.gov.vn

Ví dụ: tỉnh Bắc Giang => https://dichvucong.bacgiang.gov.vn).

– Vợ chồng đã ly hôn muốn quay lại quan hệ vợ chồng thì vẫn phải đăng ký kết hôn.

Có thể bạn quan tâm: Thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp

Nội dung cơ bản của luật Hôn nhân và gia đình mới nhất
Nội dung cơ bản của luật Hôn nhân và gia đình mới nhất

Chế độ tài sản của vợ, chồng

Nguyên tắc chung

(Điều 29)

– Vợ, chồng bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản chung; không phân biệt lao động trong gia đình hay lao động có thu nhập.

– Có nghĩa vụ bảo đảm đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình.

– Nếu việc thực hiện quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình người khác thì phải bồi thường.

Tài sản chung của vợ chồng

(Điều 33)

– Tài sản chung gồm:

  • Tài sản do vợ, chồng tạo ra;
  • Thu nhập từ việc lao động, hoạt động kinh doanh, sản xuất, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và những thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân (trừ khi chia tài sản chung thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng);
  • Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung và tài sản khác có thỏa thuận là tài sản chung;
  • Có được quyền sử dụng đất sau khi kết hôn thì đó là tài sản chung của vợ chồng, trừ khi vợ hay chồng được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng có được.

– Tài sản chung được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

– Nếu không có căn cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng thì tài sản đó được xem là tài sản chung.

Tài sản riêng của vợ, chồng

(Điều 43)

– Tài sản riêng gồm:

  • Tài sản có trước khi kết hôn; được thừa kế, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; 
  • Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; 
  • Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng;
  • Tài sản khác theo quy định pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

– Phần tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng cũng là tài sản riêng của vợ hoặc chồng.

Chấm dứt hôn nhân (Ly hôn)

Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

(Điều 51)

– Vợ, chồng hay cả hai đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

– Cha, mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một trong hai vợ hoặc chồng không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình do mắc bệnh về tâm thần hoặc các bệnh khác, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình.

– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Thuận tình ly hôn

(Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014)

Khi cả hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, xét thấy cả hai thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc phân chia tài sản, việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Nếu không thể thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm được quyền lợi chính đáng cho vợ, con thì việc ly hôn sẽ do Tòa án giải quyết.

Tham khảo thêm: Thủ tục ly hôn thuận tình

Ly hôn theo yêu cầu của một bên

(Điều 56)

– Khi một trong hai vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải không thành tại Tòa án thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về hành vi bạo lực gia đình của vợ hoặc chồng hay vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng.

– Nếu vợ hay chồng của người bị tuyên bố mất tích bởi Tòa án yêu cầu ly hôn thì Tòa giải quyết cho ly hôn.

– Nếu có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này (xem tại ý 2 mục Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn) thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng hoặc vợ có hành vi bạo lực gia đình.

Tham khảo thêm: Thủ tục đơn phương ly hôn

Xác định cha, mẹ, con

Xác định cha, mẹ

(Điều 88)

– Con được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của hai vợ chồng.

– Con được sinh ra trong vòng 300 ngày kể từ lúc chấm dứt hôn nhân thì được xem là con do người vợ mang thai trong thời kỳ hôn nhân.

– Con được sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận thì đó là con chung của hai vợ chồng.

– Nếu cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ chứng minh và phải được Tòa án xác định.

Quyền nhận cha, mẹ

(Điều 90)

– Con có quyền nhận cha, mẹ của mình kể cả khi họ đã chết.

– Con đã thành niên nhận cha hoặc mẹ không cần phải có sự đồng ý của mẹ hoặc cha.

Xác định con

(Điều 89)

– Người không được nhận là cha hay mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con của mình.

– Người được nhận là cha hay mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con của mình.

Quyền nhận con

(Điều 91)

– Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả khi con đã chết.

– Trong trường hợp người đang có vợ hoặc chồng mà nhận con thì không cần phải có sự đồng ý của người kia.

Các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình

(Điều 2)

– Hôn nhân xuất phát từ tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng và hai vợ chồng bình đẳng với nhau.

– Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo, giữa người có tín ngưỡng với người không có, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được pháp luật bảo vệ và được tôn trọng.

– Xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc; những thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau; không có sự phân biệt đối xử giữa các con.

– Nhà nước, xã hội, gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

– Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta về hôn nhân và gia đình.

Tìm hiểu thêm: Hôn nhân là gì? Nguyên tắc cơ bản trong chế độ của hôn nhân và gia đình

Các hành vi nghiêm cấm trong chế độ hôn nhân và gia đình

(Khoản 2 Điều 5)

– Kết hôn hoặc ly hôn giả tạo;

– Tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn;

– Người đang có vợ hay chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; Người chưa có vợ hay chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng hay vợ;

– Kết hôn hay chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu trực hệ; có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, giữa cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

– Có yêu sách về của cải trong kết hôn;

– Cưỡng ép, lừa dối hoặc cản trở ly hôn;

– Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính của thai nhi, sinh sản vô tính;

– Bạo lực gia đình;

– Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người trái phép, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có những hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Để biết thêm thông tin chi tiết, liên hệ ngay: Dịch vụ tư vấn hôn nhân gia đình nhanh chóng, uy tín

Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Hôn nhân và Gia đình

– Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình.

– Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

– Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

– Nghị định số 98/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

– Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

– Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số điều quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

 

Trên đây là những thông tin có liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình mà Luật Thành Công gửi đến Quý độc giả nhằm giúp mọi người nắm rõ thông tin về vấn đề này hơn.

Để xem thêm những bài viết về pháp luật hay thủ tục pháp lý,… Quý độc giả vui lòng truy cập trang web: luatthanhcong.com hoặc liên hệ đến số hotline: 1900.633710 để được tư vấn chi tiết nhé.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710