Đặc xá có ý nghĩa quan trọng đối với các phạm nhân phạm tội bị phạt tù có thời hạn, hoặc phạt tù chung thân có cơ hội được giảm án và được làm lại cuộc đời mình, sống có ích hơn cho xã hội. Luật Đặc xá như một ân điển dành cho những người phạm tội biết hối cãi cố gắng làm những việc tốt cho xã hội, ai cũng đều sẽ có lỗi lầm và cũng xứng đáng được tha thứ khi họ biết ăn năn hối cải và nhận ra cái sai của mình. Vậy Đặc xá là gì? Luật có quy định như thế nào về đặc xá? Sau đây cùng Luật Thành Công tìm hiểu về khái niệm, những điều kiện được đặc xá cũng như những trường hợp không được đặc xá.
Khái niệm đặc xá là gì?
Khái niệm đặc xá được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá năm 2018:
Theo đó Đặc xá được hiểu là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước dành cho những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong những trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn.
Qua đó có thể thấy đối tượng được xem xét để đặc xá là người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân. Từ khoản này có thể thấy những người thuộc các trường hợp bị kết án tử hình, người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang bị truy tố thì sẽ không được xem xét đặc xá như những trừng hợp khác. Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá; tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật. Chủ thể có thẩm quyền quyết định Đặc xá là Chủ tịch nước.
Như vậy, trong các sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước như Ngày giải phóng miền Nam 30/4 hay Ngày Quốc khánh nước Việt Nam 02/9 thì Chủ tịch nước sẽ xem xét cho những người đang chấp hành án phạt tù về việc quyết định tha tù trước thời hạn đối với tội tù chung thân, tù có thời hạn.

Điều kiện của người đề nghị đặc xá
Được quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá 2018 tuy nhiên một số khoản của điều này đã được sửa đổi bổ sung bởi Điều 4 Nghị định 59/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/08/2019.
Theo Luật Đặc xá mới nhất và Nghị định 59/2020, những người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm án xuống thành tù có thời hạn khi muốn đề nghị đặc xá theo quy định thì phải có các điều kiện sau đây mới được xem xét:
- Trong quá trình thi hành bản án, hình phạt của mình họ có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và khi xếp loại chấp hành án phạt tù thì được loại khá và tốt. Họ là những người đã chấp hành nghiêm chỉnh, nghiêm túc Nội quy trại giam, nhà tạm giữ,… trong quá trình thi hành án của mình. Tích cực trong việc học tập, lao động, cải tạo. Ngoài ra khi chấp hành án phạt tù hàng quý họ phải xếp loại khá hoặc tốt mới đủ điều kiện để được xem xét đặc xá này.
- Những người bị kết án phạt tù đã thi hành xong bản án , quyết định của Tòa án tức là đã hoàn thành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại và những nghĩa vụ dân sự khác. Hoặc những người đã thi hành xong các nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường các nghĩa vụ khác đồng thời Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền quyết định đình chỉ thi hành án, ngừng thi hành án đối với những người này. Hoặc phải thi hành các nghĩa vụ tài sản, bồi thường thiệt hại đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước phải được bên thi hành án đồng ý hoãn thi hành án này lại hoặc yêu cầu không thi hành án đối với tài sản này nữa mới được xem xét điều kiện hưởng đặc xá;
- Đối với hình phạt tù có thời hạn Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do chính Chủ tịch nước quyết định nhưng thời gian thực thi hình phạt này ít nhất phải là một phần ba thời gian bị phạt tù; đối với tù chung thân thì đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 14 năm đã được giảm xuống tù có thời hạn.
- Người bị phạt tù đã thực thi xong các hình phạt bổ sung là phạt tiền, và đã nộp đầy đủ án phí;
…..
Và các điều kiện khác được quy định cụ thể rõ ràng, chi tiết trong các điểm a,b,c,d,đ,e,g Khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá 2018.
Những người phạm tội đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù khi muốn đề nghị đặc xá phải có thêm các điều kiện như: Có nhiều hoạt động tiến bộ, xếp loại khá hoặc tốt trong việc chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định đình chỉ này; … quy định chi tiết trong trường hợp này được liệt kê cụ thể tại Khoản 2 Điều 11 Luật Đặc xá 2018
Ngoài ra còn một số trường hợp khác dành cho những trường hợp đặc biệt như Những người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, Những người có công với cách mạng, Những “Anh hùng lao động”,….
Ngoài ra những người mắc bệnh hiểm nghèo, phạm tội dưới 18 tuổi, người đủ 70 tuổi trở lên, có hoàn cảnh gia đình đặc biết khó khăn,… cũng là một trong những đối tượng được xem xét đặc xá nhưng phải đáp đứng đầy đủ cái điều kiện quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 11 Luật Đặc xá 2018.
Có thể thấy pháp luật Việt Nam nhân đọa đối với nhiều đối tượng, cũng như tạo nhiều động lực cho người người khi phạm tội cố gắng cải tạo, lao động tốt để được hưởng những quyền lợi. Cố gắng để trở thành một con người mới.
Những trường hợp không được đề nghị đặc xá
Ngoài những trường hợp được quy định đặc xá như trên thì có những trường hợp, những người không được đặc xá trong bất kì hoàn cảnh nào khi thuộc một trong các trường hợp sau đây được quy định tại Điều 12 Luật Đặc xá 2018:
- Những trường hợp liên quan đến vấn đề an ninh trật tự đất nước, gây ảnh hưởng đến lợi ích của Quốc gia, Tổ quốc, dân tộc như: phản bội tổ quốc; bạo loạn; khủng bố chống lại chính quyền nhân dân;…. Và nhiều tội danh khác nhằm chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Những người khi phạm tội và đang trong quá trình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chuẩn bị có hoặc đang có những bán án, quyết định tăng nặng trách nhiệm hình sự trong hình phạt của mình;
- Người phạm tội đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác không phải là các trường hợp trên cũng thuộc đối tượng không được đặc xá;
- Những người đã được đặc xá lần 1 thì sẽ không được đặc xá lại lần nữa điều này có thể thấy được sự công bằng của luật, một người không được hưởng quá nhiều lần đặc xá, mọi người ai cũng có quyền được đặc xá 1 lần;
- Những người phạm tội có từ 02 tiền án tiền sự trở lên cũng không được hưởng đặc xá;
- Ngoài ra sẽ có những trường hợp đặc biệt do Chủ tịch nước quyết định ai sẽ được hưởng đặc xá.
Trình tự thủ tục đề nghị đặc xá
Được quy định tại Mục 3 Luật Đặc xá 2018. Điều 15 quy định chi tiết về Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá:
Bước 1: Lập hồ sơ
Vào những ngày lễ lớn của đất nước, Quyết định về đặc xá sẽ được công bố, thông báo trên toàn bộ phương tiện thông tin cho tất cả mọi người cùng biết. Những người đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng được giảm xuống tù có thời hạn sẽ tiến hành làm đơn để đề nghị đặc xá trong vòng 05 ngày kể từ ngày ra Quyết định đặc xá.
Giám thị trại giam, Giám thị trại tam giam trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra Quyết định phải thực hiện việc lập danh sách, chuẩn bị hồ sơ của những người có đủ điều kiện đặc xá sau đó sẽ gửi cho các cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 15 của Luật Đặc xá 2018.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày ra Quyết định đặc xá thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo cho những người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được biết cũng như lập danh sách, chuẩn bị hồ sơ cho những người đủ điều kiện đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ từ các đơn vị có thẩm quyền theo khoản 2, khoản 3 Điều 15 Luật đặc xá 2018. Tổ thẩm định liên ngành sẽ tiến hành thẩm định danh sách hồ sơ trong vòng 15 ngày. Sau đó sẽ tổng hợp kết quả thẩm định lập biên bản đính kèm và sẽ gửi lại cho các đơn vị và chuyển kết quả này cho Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền chuyển đến Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá.
Bước 3: Thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ và trình Chủ tịch nước danh sách
Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá tập hợp danh sách và gửi kèm với văn bản đề nghị đặc xá đến các ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá để thẩm tra. Tiếp theo đó Ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ tiến hành nghiên cứu, thẩm tra danh sách, các văn bản đề nghị đặc xá. Trách nhiệm của thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá là tổng hợp ý kiến của ủy viên Hội đồng tư vấn đặc xá, trình Hội đồng tư vấn đặc xá xem xét, quyết định. Tiếp theo Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ duyệt danh sách và Trình chủ tịch nước xem xét, quyết định. Văn phòng chủ tijhc nước sẽ ra soát và kiểm tra lại một lần nữa và trình Chủ tịch nước quyết định.
Bước 4: Thực hiện Quyết định đặc xá
Sau khi Chủ tịch nước thông qua các Quyết định đặc xá, Quyết định này sẽ được công bố trên toàn bộ phương tiện thông tin đại chúng. Những người có thẩm quyền quy định chi tiết tại Khoản 2, khoản 3 Điều 18 Luật Đặc xá có trách nhiệm công bố, thực hiện Cấp giấy chứng nhận đặc xá cho những người được đặc xá.
Quyền và nghĩa vụ người đặc xá theo Luật đặc xá 2018
Quyền người được đặc xá
Căn cứ vào khoản 1 Điều 20 Luật Đặc xá 2018 những người có hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân đã được giảm án khi đặc xá có các quyền sau đây:
“a) Được cấp Giấy chứng nhận đặc xá;
b) Được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan giúp đỡ để hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống;
c) Được hưởng các quyền khác như người đã chấp hành xong án phạt tù theo quy định của pháp luật.”
Nghĩa vụ người được đặc xá
Căn cứ vào khoản 1 Điều 20 Luật Đặc xá 2018 những người có hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân đã được giảm án khi đặc xá có các nghĩa vụ sau đây:
“a) Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị quân đội nơi người đó về cư trú hoặc làm việc;
b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết;
c) Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.”
Khi người nước ngoài phạm tội và bị kết án tù tại Việt Nam cũng sẽ được hưởng đặc xá, tuy nhiên khi được hưởng đặc xá thì những người thuộc diện này sẽ không có quyền: “ Được chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan giúp đỡ để hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện về việc làm, ổn định cuộc sống”, và sẽ không có nghĩa vụ “Xuất trình Giấy chứng nhận đặc xá với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tổ chức, đơn vị quân đội nơi người đó về cư trú hoặc làm việc”
Có thể thấy các quy định của pháp luật hiện hành đảm bảo đầy đủ các quyền, lợi ích của người dân pháp luật không có sự phân biệt hay bất công đối với công dân Việt Nam hay công dân nước ngoài khi phạm tội đang trong quá trình tố tụng và thi hành án hình sự. Bên cạnh đó, việc xem xét đặc xá cho những trường hợp quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách khoan hồng đầy tính nhân quyền của Đảng và Nhà nước ta.