zalo-icon
phone-icon

Trưng dụng đất là gì?

Việc trưng dụng đất không thường xuyên xảy ra trong thực tế, nhưng người sử dụng đất cũng cần phải hiểu thu hồi đất là gì? Khi nào diễn ra và trình tự, thủ tục thực hiện trưng dụng đất.

Trưng dụng đất là gì?

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào giải thích cụ thể thế nào là trưng dụng đất, tuy nhiên chúng ta có thể dựa vào cách giải thích nghĩa của cụm từ “trưng dụng tài sản” tại Khoản 2 Điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 để hiểu trưng dụng đất là gì?. Điều luật trên quy định rằng:

“Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.”

Từ phần định nghĩa trên có thể rút ra nghĩa của trưng dụng đất là việc cơ quan nhà nước hay cá nhân có thẩm quyền tạm thời lấy đất của tổ chức, cá nhân trong một thời gian nhất định để phục vụ cho một công việc nào đó đặc biệt quan trọng.

Trưng dụng đất
Trưng dụng đất

Khi nào Nhà nước trưng dụng đất?

Như đã nêu ở mục trên, Nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền chỉ trưng dụng đất khi thật sự cần thiết để thực hiện những công việc mang tính chất đặc biệt, công việc này đã được đề cập ở Khoản 1 Điều 72 Luật Đất đai 2017 là những nhiệm vụ liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Tìm hiểu thêm: Luật đất đai và những điều cần biết

Ngoài ra tại Điều 5 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định về điều kiện để có thể trưng dụng tài sản là khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng nhưng không thể thực hiện bằng các biện pháp khác và thuộc một trong các trường hợp sau:

“1. Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

  1. Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;
  2. Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;
  3. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.”

Ví dụ: khi Nhà nước cần quy hoạch đất đai để xây dựng các công trình quốc phòng an ninh chuẩn bị cho việc đối phó kẻ địch khi có nguy cơ chiến tranh xảy ra thì Nhà nước phải tiến hành trưng dụng ruộng đất của nhân dân. Chủ sở hữu phần đất bị trưng dụng sẽ được bồi thường và trong tương lai không cần sử dụng đất nữa thì Nhà nước có thể trả lại đất cho chủ sở hữu.

Thẩm quyền trưng dụng đất

Những cá nhân có thẩm quyền trưng dụng đất và quyết định gia hạn trưng dụng đất bao gồm:

  • Bộ trưởng của Bộ Quốc phòng;
  • Bộ trưởng của Bộ Công an;
  • Bộ trưởng của Bộ Giao thông vận tải;
  • Bộ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
  • Bộ trưởng của Bộ Y tế;
  • Bộ trưởng của Bộ Công Thương;
  • Bộ trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
  • Chủ tịch UBND cấp tỉnh;
  • Chủ tịch UBND cấp huyện.

Lưu ý: Cá nhân có thẩm quyền không được phân quyền hoặc ủy quyền cho người khác.

Thẩm quyền trưng dụng đất
Thẩm quyền trưng dụng đất

Thời hạn, nghĩa vụ khi trưng dụng đất

Thời hạn trưng dụng đất

Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Nếu đất nước đang trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn được tính từ ngày đưa ra quyết định trưng dụng đến không vượt quá 30 ngày kể từ ngày tuyên bố bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp đã hết thời hạn trưng dụng đất nhưng mục đích của việc trưng dụng chưa được hoàn thành thì được gia hạn thêm thời gian nhưng không quá 30 ngày.

Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện dưới dạng văn bản và gửi đến chủ sở hữu phần đất được trưng dụng trước khi hết thời hạn trưng dụng. Trong trường hợp khẩn cấp thì có thể ra quyết định bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận quyết định trưng dụng đất ngay thời điểm trưng dụng và trong thời hạn 48 giờ kể từ lúc quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan của người ra quyết định có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng đất và gửi cho chủ sở hữu đất trưng dụng.

Nghĩa vụ khi trưng dụng đất

Chủ sở hữu đất trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng.

Nếu quyết định trưng dụng đất đã có hiệu lực thi hành mà chủ sở hữu đất trưng dụng không chấp hành thì người quyết định trưng dụng đất ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành hoặc giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, huyện nơi có đất trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao đất trưng dụng cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đúng mục đích, đạt được hiệu quả mong muốn đồng thời bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho chủ sở hữu. Khi đã hết thời hạn trưng dụng hoặc không cần sử dụng đất trưng dụng nữa thì phải hoàn trả lại đất cho chủ sở hữu.

Trình tự, thủ tục trưng dụng đất

Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 67 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục trưng dụng đất được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Ban hành Quyết định trưng dụng đất bằng văn bản (bằng lời nói trong trường hợp khẩn cấp)
  • Bước 2: Trả lại đất trưng dụng cho chủ sở hữu thông qua việc ban hành quyết định hoàn trả đất trưng dụng và gửi đến cho chủ sở hữu đất.

 

Thủ tục trưng dụng đất
Thủ tục trưng dụng đất

Bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 72 Luật Đất đai 2013 về việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được thực hiện nếu thuộc một trong những trường hợp sau:

  • Đất trưng dụng bị hủy hoại: Bồi thường bằng tiền tính theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán.
  • Bị thiệt hại về thu nhập do trưng dụng đất trực tiếp gây ra: Mức bồi thường căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại dựa trên cơ sở văn bản kê khai của chủ sở hữu đất và hồ sơ địa chính. Thành phần Hội đồng gồm:

  • Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND là Trưởng ban;
  • Các thành viên thuộc cơ quan tài nguyên và môi trường, tài chính và các thành viên khác có liên quan;
  • Đại diện cơ quan của người ra quyết định trưng dụng đất;
  • Đại diện TAND, VKSND cấp huyện nơi có đất;
  • Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;
  • Đại diện của chủ sở hữu đất trưng dụng.

Khoản tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả trực tiếp một lần cho chủ sở hữu đất được trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.

Trên đây là những thông tin có liên quan đến việc trưng dụng đất mà Luật Thành Công gửi đến quý độc giả hàng nhằm giúp mọi người hiểu hơn về vấn đề này.

Để xem thêm những bài viết về pháp luật hay thủ tục pháp lý,… Quý độc giả vui lòng truy cập trang web: luatthanhcong.com hoặc liên hệ đến số hotline: 1900.633710 để được tư vấn chi tiết nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710