zalo-icon
phone-icon

Quyền và nghĩa vụ của người lao động theo Bộ luật lao động mới nhất

Quan hệ lao động là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Một hợp đồng lao động sẽ được thiết lập để hai chủ thể của mối quan hệ có thể ràng buộc với nhau về những điều khoản về quyền và nghĩa vụ. Các quyền và nghĩa vụ này sẽ luôn được đặt ở thế cân bằng khi cả người lao động và người sử dụng lao động đều đạt được mục đích của mình. Trong đó, người lao động được hưởng một mức lương xứng đáng khi đóng góp cho người sử dụng lao động. Thì người sử dụng lao động cũng sẽ có được những giá trị tương ứng từ sức lao động của người lao động. Ở chủ đề này, Luật Thành Công sẽ đi sâu vào phân tích các quyền và nghĩa vụ của người lao động theo Bộ luật lao động hiện nay. Hi vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ được mình cần phải làm gì để có được sự chuẩn bị thật tốt trước khi tham gia vào thị trường lao động.

Quyền của người lao động

Quyền của người lao động có ý nghĩa rất lớn đối với bất kỳ người lao động nào. Đặc biệt là ở đất nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, khi mà tầng lớp lao động chính là tầng lớp quan trọng nhất trong xã hội. Tầng lớp này được nhà nước nâng cao tối đa quyền lợi song trên thực tiễn, họ vẫn luôn ở vị trí yếu thế hơn. Đơn cử, người lao động khi đi làm việc tại vẫn phải phụ thuộc vào sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Nhiều lao động không biết về quyền của mình dẫn đến các hệ lụy không mong muốn như: phải tăng ca nhiều giờ; làm việc ở các môi trường độc hại; không được hưởng các chế độ mà luật quy định như BHYT và các loại bảo hiểm khác,… Để giữ được việc làm, nhiều người lao động hiện nay vẫn phải “cắn răng chịu đựng” vì miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Do đó, việc làm cấp thiêt nhất hiện nay là người lao động phải nắm rõ các quyền của mình.

Tham khảo thêm: Cách tính tiền lương làm thêm giờ như thế nào? 

Khoản 1, điều 5, Bộ luật lao động 2019 quy định về quyền của người lao động như sau:

“Điều 5: Quyền và nghĩa vụ của người lao động:

  1. Người lao động có các quyền sau đây:
  2. a) Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  3. b) Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
  4. c) Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
  5. d) Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;

đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

  1. e) Đình công;
  2. g) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Theo điều luật này quy định, người lao động sẽ có các quyền cơ bản sau:

Thứ nhất, Quyền được “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc”

“Quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” là một trong những tinh thần được quy định tại Hiến pháp Việt Nam – Hệ thống cao nhất của pháp luật Việt Nam. Đây là quyền quan trọng nhất của con người trong lĩnh vực lao động. Bất kể người lao động nào cũng được tự định đoạt việc làm của mình mà không có bất kỳ ai có quyền can thiệp vào sự lựa chọn này của họ. Khi tham gia vào thị trường lao động, người lao động lựa chọn nơi làm việc và công việc phù hợp với mình và nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động. Việc tuyển dụng sẽ được thực hiện trên cơ sở tự nguyện giữa các bên. Người lao động tự mình thực hiện việc tìm kiếm hoặc thông qua các đơn vị môi giới, dịch vụ việc làm để tìm kiếm nơi làm việc phù hợp với mình. Một người lao động được phép lao động tại nhiều hơn miễn phù hợp với nguyện vọng, chuyên môn, khả năng, sức khỏe là được. Nhìn ở khía cạnh khác, các quyền của người lao động cũng là các trách nhiệm mà người sử dụng lao động phải đảm bảo như: không phân biệt đối xử, không cưỡng bức, quấy rối tình dục lao động tại nơi làm việc,…

Tìm hiểu thêm: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động – Hãng Luật Quốc Tế Thành Công 

Thứ hai, Quyền được “Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể”

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Do vậy tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động, giúp cho người lao động và gia đình của họ có thể duy trì được mức sống tối thiểu. Để đảm bảo quyền của người lao động về tiền lương pháp luật quy định người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Hay để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn pháp luật lao động có quy định trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Người lao động được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Được quy định tại Điều 132, 133, 134 Bộ luật lao động 2019 quy định các bên tham gia phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn nơi làm việc và yêu cầu mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất phải tuân theo quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải đảm bảo môi trường làm việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các mối nguy hại có thể ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người lao động. Người sử dụng lao động phải có các nghĩa vụ: Bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng;  Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

Bộ luật lao động 2019 có các quy định để bảo vệ quyền của người lao động về nghỉ ngơi. Cụ thể, người lao động được nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có lương và được hưởng phúc lợi tập thể. Theo đó, Bộ luật Lao động có các quy định về Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, cụ thể: Người lao động được nghỉ trong giờ làm việc theo quy định tại Điều 109 Bộ luật lao động 2019 (nghỉ 30 phút nếu tính vào thời giờ làm việc liên tục 06 giờ trở lên, 45 phút nếu làm việc vào ban đêm…); nghỉ chuyển ca theo quy định tại Điều 110 Bộ luật lao động 2019 (nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác); nghỉ hằng tuần theo quy định của Điều 111 Bộ luật lao động 2019 (nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục mỗi tuần…); nghỉ hằng năm có lương theo theo quy định tại Điều 113 và 114 của Bộ luật lao động 2019; nghỉ Lễ, Tết theo quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động 2019; Nghỉ việc riêng, nghỉ không.

Thứ ba, quyền đượcThành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;

Chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động là quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn. Từ đây, có thể thấy quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là một trong những quyền quan trọng trong nguyên tắc bảo vệ người lao động được pháp luật thừa nhận.

Bộ luật lao động 2019 quy định, người lao động làm việc trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2012. Theo đó, công đoàn cơ sở được thành lập ở cấp độ doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp của cấp cơ sở. Các tổ chức Công đoàn cấp trên cơ sở có quyền và trách nhiệm vận động người lao động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; có quyền yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ việc thành lập công đoàn cơ sở.

Khi công đoàn cơ sở được thành lập theo đúng quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải thừa nhận và tạo điều kiện thuận lợi để công đoàn cơ sở hoạt động.

Thứ tư, quyền được “từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc”

Đây là quyền lợi mới cho người lao động so với quy định tại Bộ luật lao động 2012. Theo đó, từ ngày 1.1.2021, người lao động có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.

Tại Điểm a Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019, một trong những yêu cầu để doanh nghiệp được phép sử dụng lao động tăng ca đó là được sự đồng ý của người lao động, người lao động được quyền từ chối làm việc tăng ca, đặc biệt là khi làm thêm giờ, tăng ca với những công việc nguy hiểm và gây độc hại đến sức khỏe, hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Người lao động được quyền từ chối điều chuyển sau 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm.Trường hợp doanh nghiệp điều chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Theo đó, người lao động được quyền từ chối điều chuyển sau 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trường hợp người lao động không đồng ý mà phải ngừng việc thì doanh nghiệp phải trả đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động.

Quyền của người lao động
Quyền của người lao động

Thứ năm, quyền được “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật;”

Căn cứ vào Điều 35 Bộ luật lao động 2019 người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do và phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng, ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 45 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải báo trước:  Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động; Bị ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật lao động năm 2019; đủ tuổi nghỉ hưu; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, Điều 37 Bộ luật lao động 2019 quy định trường hợp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, như sau: Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao đọng chưa hồi phục; Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý; người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Đối với người lao động, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước; phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật lao động 2019.

Thứ sáu, quyền “Đình công”

Quyền đình công của người lao động được công nhận theo quy định của Bộ luật lao động 2019. Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Có thể nói đình công là biện pháp trực tiếp của người lao động để thực hiện đúng các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo pháp luật, nhất là đòi thỏa mãn những yêu cầu của người lao động về tiền lương, điều kiện làm việc và những đảm bảo xã hội, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng rất lớn của đình công đối với hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như xã hội mà quyền đình công này được giới hạn trong một khuôn khổ pháp luật cho phép và phải tuân theo những trình tự, thủ tục nhất định theo quy định pháp luật.

Các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công: Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc; Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng; Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công; Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công; Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tham khảo thêm: Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động

 Nghĩa vụ của người lao động

Thực hiện hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các thỏa thuận hợp pháp khác

Trong các thoả thuận của hợp đồng lao động đã nêu rõ những nghĩa vụ cụ thể cho từng bên phù hợp với đặc điểm, tính chất nguyện vọng mang tính cá nhân, về phương diện chung nhất, mang tính bản chất, nghĩa vụ theo hợp đồng lao động của các mối quan hệ lao động là giống nhau. Nhưng đối với mỗi hợp đồng cụ thể sẽ ghi nhận những nội dung, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể, tuỳ thuộc vào vấn đề hai bên quan tâm.

Đối với thoả ước, việc quy định của Bộ luật là mang tính khái quát và tượng trưng, bởi vì các nghĩa vụ của thoả ước lao động tập thể vừa ràng buộc cá nhân, lại vừa ràng buộc tập thể, có những loại nghĩa vụ một người lao động cá thể không thể thực hiện, ví dụ nghĩa vụ không được tụ tập đông người trong giờ làm việc hoặc tập thể lao động cam kết không làm công dưới bất kỳ hình thức nào.

Tuy nhiên, giữa thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động có mối quan hệ chặt chẽ, khống chế và bổ sung cho nhau, do đó việc thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ đó là điều kiện quan trọng nhất bảo đảm hệ thống quản lý lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Nghĩa vụ của người lao động
Nghĩa vụ của người lao động

Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động, tuân theo sự quản lý, điều hành giám sát của người sử dụng lao động

Tuân thủ sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Pháp luật lao động quy định yêu cầu người lao động, và người sử dụng lao động thực hiện các cam kết, mặc khác do đặc điểm và yêu cầu của sản xuất, kinh doanh. Vì sự ổn định và trật tự doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, vì sự an toàn của sản nghiệp, tài sản đầu tư nên pháp luật quy định người sử dụng lao động được quyền quản lý người lao động.

Tham khảo thêm: Khoản chi phí có tính chất phúc lợi cho người lao động

Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động

Thực hiện nghĩa vụ này đòi hỏi người lao động tuân thủ, thực thi đúng và đầy đủ quy định về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quy định có liên quan đến hai lĩnh vực bảo hiểm nêu trên (khai báo, sử dụng thẻ, giám định, các thủ tục khác có liên quan, không thực hiện các điều cấm nhằm trục lợi…).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710