Quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động là một nội dung rất quan trọng trong hợp đồng cũng như quan hệ hợp đồng lao động của các bên. Có các điều khoản về quyền và nghĩa vụ cơ bản sẽ giúp các bên nắm rõ các quyền lợi và trách nhiệm của mình, giúp cho quan hệ lao động rõ ràng và tránh tình trạng xảy ra tranh chấp giữa các bên. Vì vậy, hãy cùng Luật Thành Công tìm hiểu về quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động trong bài viết dưới đây.
Quyền của người lao động
- Người lao động được tự do làm việc, tự do lựa chọn việc làm, lựa chọn nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp, không bị đối xử phân biệt về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, vùng miền, tuổi tác, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Người lao động được thỏa thuận, hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề nghiệp với người lao động, được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện đảm bảo về an toàn vệ sinh lao động, nghỉ việc tạm thời theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương, hưởng phúc lợi tập thể
- Người lao động có các quyền thành lập hoặc gia nhập các tổ chức công đoàn, tổ chức nghề nghiệp, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, quy chế dân chủ trong thỏa ước lao động tập thể, xây dựng nội quy lao động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong quan hệ lao động
- Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu người sử dụng lao động vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng giữa các bên hoặc trường hợp có lý do chính đáng, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người lao động còn có các quyền khác như đình công, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có báo trước hoặc không cần báo trước tùy từng trường hợp và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm: Quyền của người lao động khi bị sa thải trái pháp luật
Nghĩa vụ của người lao động
- Người lao động có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động giữa các bên hoặc trong thỏa ước lao động tập thể đã giao kết.
- Người lao động có nghĩa vụ tuân theo quy chế, nội quy công ty, thực hiện nghiêm chỉnh nội quy lao động theo sự phân công, chỉ đạo hợp pháp của người sử dụng lao động
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động
- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động một mức tiền theo quy định của pháp luật và phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người lao động nếu có
Quyền của người sử dụng lao động
- Người sử dụng lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động các tổ chức nghề nghiệp, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các tổ chức khác phù hợp với quy định của pháp luật
- Người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh và giao công việc, điều hành quản lý lao động, có quyền bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động
- Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công,tham gia đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động
- Người sử dụng lao động có quyền đóng cửa tạm thời nơi làm việc, có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật
Có thể bạn quan tâm: Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện, tuân thủ hợp đồng lao động đã kí kết giữa các bên, tuân thủ thỏa ước lao động tập thể, tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động khi có tranh chấp xảy ra, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ đào tạo, giúp người lao động nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp nhằm duy trì việc làm cho người lao động
- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động, xây dựng và thực hiện các biện pháp chống lại việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc
- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, người lao động có nghĩa vụ phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết, trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho người lao động và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật
- Người sử dụng lao động phải xây dựng phương án sử dụng lao động trong trường hợp doanh nghiệp tiến hành chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động và trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ, kinh tế