Xã hội ngày càng phát triển, dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng đất ở, sản xuất, kinh doanh,… tăng cao. Mà đất đai là nguồn tài nguyên tự nhiên không thể tự sản sinh thêm. Chính vì vậy, cần có cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai nhằm phân bổ, sử dụng đất hiệu quả. Trong bài viết, Luật Thành Công chia sẻ đến bạn đọc quản lý đất đai là gì? Hệ thống cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai tại Việt Nam hiện nay nhé.
Quản lý đất đai là gì?
Quản lý đất đai là gì? Quản lý đất đai là quá trình sử dụng và phát triển đất nông thôn hoặc thành thị. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề ra phương án, công cụ quản lý thích hợp tác động đến hành vi, hoạt động của người sử dụng đất nhằm thực hiện mục tiêu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng.
Nếu quá trình quản lý đất không nghiêm ngặt, chặt chẽ rất dễ đến việc sử dụng đất không đúng mục đích hoặc khai thác quá mức làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, thậm chí làm suy giảm năng suất và phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên.
Hệ thống cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai
Tại khoản 1 Điều 24 Luật đất đai 2013 quy định hệ thống tổ chức cơ quan quản lý đất đai được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Theo đó, hệ thống cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai được xây dựng như sau:
Cơ quan chuyên ngành quản lý đất đai
- Bộ tài nguyên và môi trường: Đây được xem như cơ quan “đầu não” quản lý đất đai và các dịch vụ công trong quản lý và sử dụng đất.
- Sở tài nguyên và môi trường: Cơ quan thuộc UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có chức năng quản lý tài nguyên đất và đo đạc bản đồ dưới sự lãnh đạo về mặt chuyên môn của Bộ tài nguyên và môi trường.
- Phòng tài nguyên và môi trường: Cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có chức năng quản lý nhà nước về đất đai và lĩnh vực môi trường.
- Cán bộ địa chính cấp xã: Là cán bộ phụ trách công tác quản lý đất ở UBND xã.
Nếu bạn đọc quan tâm đến thực trạng đánh giá việc quản lý đất và các biện pháp tăng cường, cùng tìm hiểu ngay đánh giá quản lý đất đai
Các tổ chức dịch vụ công trong quản lý và sử dụng đất
Các tổ chức dịch vụ công trong quản lý và sử dụng đất là các “đầu mối” giúp cho người dân nhanh chóng tiếp cận các quyền của mình và góp phần giúp việc quản lý đất đai của cơ quan có thẩm quyền hiệu quả hơn. Theo quy định, các tổ chức dịch vụ công này bao gồm:
- Văn phòng đăng kí đất đai: Tổ chức sự nghiệp thuộc sở tài nguyên và môi trường, thuộc phòng tài nguyên và môi trường của UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Văn phòng đăng kí đất đai có chức năng tổ chức thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính và thực hiện thủ tục hành chính trong quản lí, sử dụng đất đai theo cơ chế “một cửa”.
- Tổ chức phát triển quỹ đất: Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định.
- Tổ chức hoạt động tư vấn trong quản lý và sử dụng đất: Được thành lập theo quy định và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đất đai.
Nguyên tắc quản lý đất đai của Nhà nước
Các nguyên tắc chính là phương hướng chỉ đạo, là nền tảng pháp lý xuyên suốt trong quá trình xây dựng và thực hiện pháp luật. Các nguyên tác quản lý đất đai của nhà nước như sau:
Nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật
Theo quy định pháp luật Nhà nước là chủ thể quản lý mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có quản lý đất đai. Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đất đai, thực hiện việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch sử dụng đất và phê duyệt các chương trình quốc gia về sử dụng, khai thác các nguồn tài nguyên. Sự thống nhất của nhà nước đối với đất đai được thể hiện cụ thể qua nội dung quản lý đất đai; cơ quan quản lý đất đai và cơ chế quản lý.
Nguyên tắc ưu tiên bảo vệ và phát triển quỹ đất nông nghiệp
Ta thấy rằng các quy định của pháp luật đất đai và các chính sách về nông nghiệp luôn dành sự ưu tiên đối với việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tính ưu tiên ở đây không chỉ dừng ở bảo đảm số lượng về mặt diện tích đất nông nghiệp mà còn ưu tiên nâng cao chất lượng đất để nâng dần hiệu quả sử dụng đất. Nguyên tắc này được biểu hiện cụ thể như sau:
- Nhà nước có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối có đất để sản xuất.
- Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp trong hạn mức sử dụng đất thì không phải trả tiền thuê đất, nếu sử dụng vào mục đích khác phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và trả tiền thuê.
- Việc chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang mục đích khác hoặc từ loại đất không thu tiền sang loại đất có thu tiền phải đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhà nước quy định cụ thể về đất chuyên trồng lúa nước, điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa nước và nghiêm cấm các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khai hoang, phục hóa lấn biển, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc sử dụng vào mục đích nông nghiệp.
- Nghiêm cấm mở rộng một cách tùy tiện các khu dân cư từ đất nông nghiệp và hạn chế việc lập vườn từ đất trồng lúa.
Nguyên tắc sử dụng đất đai hợp lý và tiết kiệm
Để đảm bảo nguyên tắc này phải tuân thủ những điều kiện sau:
- Sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch chung;
- Sử dụng đất đúng mục đích theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tận dụng vào sản xuất, khai thác có hiệu quả.
Nguyên tắc thường xuyên cải tạo và bồi bổ đất đai
- Nhà nước khuyến khích hành vi cải tạo, bồi bổ, đầu tư công của làm tăng khả năng sinh lợi của đất;
- Các chủ thể sử dụng đất có nghĩa vụ cải tạo, bồi bổ làm tăng độ màu mỡ của đất, hạn chế khả năng đất bị bạc màu, rửa trôi do thiên tai.