zalo-icon
phone-icon

Phí công chứng hợp đồng mua bán chung cư chuẩn nhất 2023

Bạn đang muốn biết phí công chứng hợp đồng mua bán chung cư là bao nhiêu? Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán chung cư như thế nào? Hãy cùng Luật Thành Công giải đáp những câu hỏi này qua bài viết sau đây.

Công chứng là gì?

Công chứng có thể được hiểu là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng thực tính chính xác, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng văn bản, xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt mà theo quy định của pháp luật thì các văn bản, giấy tờ này phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Trong đó, công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng 2014, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng là tổ chức bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hoạt động công chứng có các đặc điểm đặc trưng đó là

  • Là một hoạt động do công chứng viên thực hiện theo quy định của pháp luật
  • Người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài
  • Nội dung của công chứng là để xác định tính hợp pháp của các hợp đồng, các giao dịch dân sự, xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ

Trường hợp nào mua chung cư phải công chứng hợp đồng?

Theo quy định tại Luật Nhà ở, cụ thể tại Khoản 1 Điều 122 thì trong trường hợp mua bán nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải tiến hành công chứng, chứng thực.

Điểm a Khoản 1 Điều 8 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định trường hợp bên chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai (chung cư chưa được bàn giao cho người mua, chưa được đưa vào sử dụng nhưng đã có hợp đồng mua bán chuyển nhượng) mà bên chuyển nhượng là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản thì hợp đồng mua bán chuyển nhượng đó không bắt buộc phải công chứng trừ trường hợp các bên có nhu cầu công chứng hợp đồng.

Trường hợp mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, mua bán nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư thì không bắt buộc phải công chứng trừ khi các bên có nhu cầu.

Như vậy, nếu mua bán chung cư giữa cá nhân với cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức (không đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản) thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực. Còn trong trường hợp bên chuyển nhượng chung cư hình thành trong tương lai là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản thì có thể công chứng hoặc không công chứng tuỳ vào nhu cầu của các bên.

Tìm hiểu ngay nếu bạn thắc mắc: Dưới 18 tuổi có thể đứng tên trên sổ hồng chung cư không?

Trường hợp nào mua chung cư phải công chứng
Trường hợp nào mua chung cư phải công chứng

Hồ sơ công chứng hợp đồng mua bán chung cư

Bao gồm các giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, chung cư
  • Dự thảo hợp đồng mua bán chung cư
  • Tờ khai thuế trước bạ
  • Giấy tờ pháp lý (căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu) của các bên
  • Các giấy tờ khác có liên quan như tờ khai thuế trước bạ, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của bên bán (nếu có), bản vẽ hiện trạng căn hộ chung cư (nếu có).

Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán chung cư

Công chứng hợp đồng mua bán chung cư là điều bắt buộc khi hai bên soạn hợp đồng mua bán chung cư để chuyển sở hữu chung cư. Việc công chứng phải do công chứng viên thực hiện và diễn ra ở Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng trên địa bàn. Tuy nhiên, việc công chứng ngoài trụ sở cũng có thể diễn ra trong trường hợp đặc biệt như người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại, người đang bị tạm giam, tạm giữ, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể trực tiếp đến trụ sở để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng mua bán chung cư.

Thủ tục công chứng hợp đồng mua bán chung cư được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Các bên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp hồ sơ tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 2: Công chứng viên sẽ tiến hành kiểm tra và thụ lý hồ sơ

Trường hợp hồ sơ còn thiếu, công chứng viên sẽ hướng dẫn các bên bổ sung hoàn thiện hồ sơ

Trường hợp hình thức, nội dung hồ sơ, hợp đồng thuộc các trường hợp trái quy định của pháp luật, không thể thực hiện công chứng thì công chứng viên sẽ từ chối thụ lý và nêu rõ lý do từ chối hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ, hợp đồng yêu cầu công chứng đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật thì công chứng viên sẽ thụ lý và ghi vào sổ công chứng.

Bước 3: Hướng dẫn các quy định pháp luật liên quan và làm rõ các vấn đề còn vướng mắc cho các bên

Công chứng viên sẽ hướng dẫn một số thông tin về quy định của thủ tục công chứng, quy định pháp luật về hợp đồng mua bán chung cư, quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, công chứng viên sẽ yêu cầu các bên làm rõ một số vấn đề, làm rõ các dấu hiệu không rõ ràng được quy định trong hợp đồng.

Bước 4: Kiểm tra dự thảo hợp đồng

Công chứng viên sẽ kiểm tra dự thảo hợp đồng mua bán chung cư để xác định hợp đồng có đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội hay không.

Bước 5: Các bên tiến hành ký và xuất trình bản chính hợp đồng và các giấy tờ liên quan

Các bên xem lại dự thảo hợp đồng mua bán chung cư. Các bên đồng ý thì tiến hành xác nhận đồng thời xuất trình bản chính hợp đồng, giấy tờ liên quan cho Công chứng viên đối chiếu. Công chứng viên sẽ ghi lời chứng và ký vào từng trang của hợp đồng được công chứng. Các bên tiến hành đóng phí công chứng cho tổ chức hành nghề công chứng.

Bước 6: Trả kết quả công chứng

Sau khi hoàn thành việc nộp phí thì người yêu cầu công chứng sẽ nhận được kết quả công chứng

Phí công chứng hợp đồng mua bán nhà chung cư

Phí công chứng được xác định theo giá trị tài sản, ở đây là giá trị của chung cư hoặc giá trị hợp đồng. Phí công chứng tính trên tổng giá trị tài sản được quy định như sau:

Tổng giá trị tài sản

Mức phí công chứng (đồng/trường hợp)

Dưới 50 triệu đồng

50.000 đồng

Từ 50 – 100 triệu đồng

100.000 đồng

Từ trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng

0,1% tổng giá trị tài sản

Từ trên 01 – 03 tỷ đồng

01 triệu đồng + 0,06% của phần tổng giá trị tài sản vượt quá 01 tỷ đồng

Từ trên 03 – 05 tỷ đồng

2,2 triệu đồng + 0,05% của phần tổng giá trị tài sản vượt quá 03 tỷ đồng

Từ trên 05 – 10 tỷ đồng

3,2 triệu đồng + 0,04% của phần tổng giá trị tài sản vượt quá 05 tỷ đồng

Từ trên 10 – 100 tỷ đồng

5,2 triệu đồng + 0,03% của phần tổng giá trị tài sản vượt quá 10 tỷ đồng.

Trên 100 tỷ đồng

32,2 triệu đồng + 0,02% của phần tổng giá trị tài sản vượt quá 100 tỷ đồng nhưng tối đa chỉ là 70 triệu đồng/trường hợp

Có thể bạn quan tâm: Chung cư sở hữu 50 năm là gì?

Ý nghĩa của việc công chứng

Theo quy định pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. trong trường hợp nếu không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được xem là vô hiệu và không có giá trị pháp lý.

Vì vậy, văn bản công chứng là công cụ hiệu quả để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phòng ngừa tranh chấp, tạo nên sự ổn định trong quan hệ dân sự, tài sản. Mặt khác, còn tạo ra chứng cứ xác thực, kịp thời khiến không thể chối bỏ trừ trường hợp bị Tòa tuyên vô hiệu, hạn chế việc xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710