Hiện nay, tại Việt Nam không thừa nhận chế độ “tư hữu hay sở hữu tư nhân” về đất đai bởi lẽ đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước nên phải được quản lý chặt chẽ theo pháp luật. Theo quy định Luật đất đai nhà nước là chủ thể “đại diện” cho toàn dân thực hiện các quyền của chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai trên cả nước.
Như vậy, người sử dụng đất (các tổ chức, cá nhân…) không có quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, họ mới là những chủ thể sử dụng đa phần diện tích đất đai trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, các chủ thể này được Nhà nước trao “quyền sử dụng đất” và quyền này được xác định như tài sản của chủ sử dụng đất. Nội dung quyền sở hữu toàn dân về đất đai gồm những ý sau:
Quyền chiếm hữu đất đai
Nội dung quyền sở hữu toàn dân về đất đai đầu tiên phải nhắc đến là Quyền chiếm hữu đất đai là quyền của Nhà nước nắm giữ toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi lãnh thổ quốc gia. Quyền chiếm hữu đất đai có ý nghĩa quan trọng là tiền để để xác lập quyền sử dụng và định đoạt đất đai.
Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thực hiện quản lý thống nhất đất đai trên cả nước nhưng không trực tiếp chiếm hữu, sử dụng đất đai mà lại trao quyền này cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, cho phép nhận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và công nhận quyền sử dụng đất.
Song, Nhà nước không mất đi quyền chiếm hữu đất đai của mình. Bởi, Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu đất đai một cách gián tiếp thông qua các hoạt động vừa mang tính chuyên môn nghiệp vụ, vừa mang tính pháp lý như đo đạc, khảo sát đánh giá và phân hạng đất để nắm được thực trạng sử dụng đất đai trên phạm vi toàn lãnh thổ quốc gia; hệ thống hồ sơ, bản đồ địa chính, sổ sách địa chính và các tài liệu địa chính khác để nắm được sự phân bố, kết cấu sử dụng đất ở các địa phương; hoạt động đăng ký quyền sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai… để nắm được biến động đất qua từng thời kỳ.
Xem thêm thông tin: Thủ tục chuyển nhượng thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn
Quyền sử dụng đất đai
Quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ chủ thể khác qua việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho,… Theo quy định tại Điều 5 Luật đất đai 2013 chủ thể sử dụng đất bao gồm:
Theo quy định người sử dụng đất có các quyền:
- Được cấp sổ đỏ;
- Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất;
- Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp;
- Được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp;
- Được bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình;
- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi trái pháp luật đất đai.
- Được thực hiện các quyền đối với đất đai như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất… theo quy định.
Tìm hiểu thêm thông tin:
Quyền định đoạt đất đai
Quyền định đoạt đất đai là quyền quyết định số phận pháp lí của đất đai. Đây là quyền rất quan trọng và chỉ có Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai mới được thực hiện này. Mọi hành vi xâm phạm đến quyền định đoạt đất đai của Nhà nước tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền quyết định các biện pháp xử lí thích đáng, phù hợp với quy định của Luật đất đai.
Nhà nước thực hiện quyền định đoạt đất đai thông qua các phương thức chủ yếu dưới đây:
- Các hành vi giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất;
- Mục đích sử dụng của từng loại đất;
- Hạn mức sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất;
- Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và có cơ chế để bảo đảm cho các quyền và nghĩa vụ này được thực hiện trên thực tế;
- Chính sách tài chính về đất đai;
- Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất nhằm điều tiết vấn đề đất đai.