Hiện nay, còn rất nhiều người lao động về các quyền và lợi ích hợp pháp mà họ có được khi thực hiện “bán” sức lao động của mình cho người sử dụng lao động. Lợi dụng điều này, không ít các doanh nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật lao động. Đơn cử là hành vi giữ bằng gốc của người lao động. Sở dĩ có điều này là do, doanh nghiệp muốn ràng buộc người lao động, khi họ muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp không đồng ý và không trả lại bằng gốc. Hành vi này trực tiếp ngăn cản quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động – quyền mà pháp luật đã công nhận và ghi nhận trong Bộ luật Lao động.
Vậy pháp luật nhận định và xử lý thể nào về hành vi vi phạm trên của người sử dụng lao động? Cùng Luật Thành Công tìm hiểu thông qua bài viết sau đây:
Người sử dụng lao động có được giữ bằng gốc của người lao động hay không?
Các chứng chỉ nghề, bằng cử nhân, bằng thạc sĩ,… là những giấy tờ quan trọng, chúng chứng minh được người sở hữu đã trải qua quá trình đào tạo và đạt yêu cầu để được công nhận với chức danh đó. Đối với một số vị trí làm việc, người lao động buộc phải sở hữu các bằng cấp để có thể làm việc tại vị trí đó.
Trong quá trình tuyển dụng, từ ban đầu là hồ sơ ứng tuyển, nhà tuyển dụng đã yêu cầu nộp bản sao của các loại chứng chỉ, bằng cấp mà họ yêu cầu ứng viên phải có để có thể làm việc tại vị trí đó. Yêu cầu này được cho là hợp lý, vì dựa vào đây, ứng viên có thể chứng minh được bản thân đã đáp ứng điều kiện ứng tuyển, đủ trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, trên thực tế một số doanh nghiệp đưa ra yêu cầu ứng viên phải nộp bản chính các bằng cấp, chứng chỉ. Điều này gây nên nỗi lo cho người lao động và ràng buộc khi làm việc tại doanh nghiệp. Vậy, pháp luật quy định thế nào về hành vi này?
Xem thêm: Công ty không trả bằng đại học khi người lao động nghỉ việc
Căn cứ quy định tại Điều 17 Bộ luật Lao động 2019, quy định về một số hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng như sau:
- Giữ bản chính (bản gốc) giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
- Yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền/tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Để trả nợ có người sử dụng lao động, buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động.
Như vậy, việc các doanh nghiệp có hành vi giữ lại bằng gốc của người lao động, dù là loại giấy tờ nào, cũng đã vi phạm quy định pháp luật lao động.
Pháp luật quy định mức phạt thế nào về hành vi giữ bằng gốc của người lao động?
Căn cứ Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hình thức xử phạt được áp dụng đối với hành vi giữ bằng gốc của người lao động là phạt tiền. Mức phạt có thể thay đổi tùy thuộc vào chủ thể có hành vi vi phạm là cá nhân hoặc tổ chức. Mức phạt được tính như sau: Người sử dụng lao động giữ bằng gốc người lao động, mức phạt sẽ từ 20.000.000 đồng – 25.000.000 đồng. Trong trường hợp, người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt sẽ gấp đôi, cụ thể là 40.000.000 đồng – 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).
Có thể bạn quan tâm: Khởi kiện khi người sử dụng lao động giữ giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ gốc của người lao động
Ngoài ra, còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: Người sử dụng lao động buộc phải trả lại bản chính, giấy tờ tuy thân, chứng chỉ, văn bằng (gọi chung là bằng gốc) đã giữ của người lao động.
Người lao động cần làm gì trong trường hợp bị người sử dụng lao động giữ bằng gốc?
Khi người lao động có nhu cầu chấm dứt hợp đồng lao động đã ký kết mà bị người sử dụng lao động ngăn cản bằng cách giữ bằng gốc. Hoặc trong trường hợp người lao động bị yêu cầu nộp bằng gốc và đã tiến hành nộp cho người sử dụng lao động, sau đó mới phát hiện rằng hành vi này của người sử dụng lao động là hành vi vi phạm pháp luật, người lao động có thể xử lý như sau:
- Cách 1: Người lao động tiến hành làm đơn tố cáo người sử dụng lao động do có hành vi vi phạm, gửi đến Thanh tra Sở Lao động, Thương binh & Xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Cách 2: Làm đơn khiếu nại đến người sử dụng lao động (người lao động cũng có thể khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động). Trong vòng 30 ngày, người sử dụng lao động phải giải quyết khiếu nại. Sau đó, nếu người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc người sử dụng lao động không giải quyết khiếu nại, người lao động được quyền khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi công ty có trụ sở chính để được xem xét giải quyết.
Thông tin thêm rằng, khi người lao động yêu cầu lấy lại bằng gốc để chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động cần lưu ý về các trách nhiệm mình cần thực hiện để chấm dứt hợp đồng theo quy định pháp luật lao động.
Trên đây là thông tin Luật Thành Công cung cấp đến Qúy độc giả về nội dung Hành vi giữ bằng gốc của người lao động. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thế, Qúy độc giả vui lòng liên hệ hotline để được tư vấn kịp thời.