zalo-icon
phone-icon

Người lao động có được hưởng phụ cấp thâm niên không?

Quan hệ lao động là một trong những quan hệ pháp luật phổ biến do nhu cầu sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Trong mối quan hệ này, giữa hai bên trong quan hệ lao động (người lao động và người sử dụng lao động) sẽ thỏa thuận về nội dung công việc cần thực hiện, tiền lương, điều kiện làm việc và quyền, nghĩa vụ các bên.

Khi người lao động tiến hành giao kết hợp đồng lao động điều mà họ quan tâm hàng đầu là quyền lợi được hưởng khi bán sức lao động của mình. Thông thường khi nhắc đến những người lao động làm việc thời gian dài cho một đơn vị, cơ quan, tổ chức mọi người đều quan tâm đến thâm niên làm việc. Vì sao lại có mối quan tâm này? Phụ cấp thâm niên là gì? Đối tượng nào được hưởng? Và cần những điều kiện gì để được hưởng phụ cấp này? Chúng tôi sẽ tiến hành cung cấp thông tin trong bài viết sau đây:

Người lao động có được phụ cấp thâm niên không?
Người lao động có được phụ cấp thâm niên không?

Phụ cấp thâm niên là gì?

Theo quy định pháp luật hiện hành, chưa có định nghĩa cụ thể về thâm niên. Dựa trên thực tế, có thể hiểu thâm niên là khoảng thời gian (tính bằng năm) làm việc liên tục trong một cơ quan nhà nước, một tổ chức nào đó hoặc trong một ngành, nghề của một người lao động.

Thâm niên được sử dụng làm căn cứ để tính phụ cấp cho người lao động, tuy nhiên không phải tất cả mà chỉ một số đối tượng đặc thù mới có phụ cấp này hoặc doanh nghiệp tự nguyện sử dụng để tính phụ cấp cho người lao động tại công ty mình.

Phụ cấp thâm niên là một trong số các khoản phụ cấp lương, được trả định kỳ hàng tháng. Khoản phụ cấp này có thể được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy chế doanh nghiệp hoặc thỏa ước lao động.

Ngoài các đối tượng được hưởng phụ cấp này theo quy định của pháp luật, chế độ phụ cấp thâm niên được doanh nghiệp sử dụng nhằm khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm: Người giúp việc phải thông báo nghỉ việc trước bao nhiêu ngày ? 

Khi nào được hưởng phụ cấp thâm niên?

Quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH (sửa đổi bởi Thông tư liên tịch 29/2015/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH), đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm:

  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân;
  • Hạ sĩ quan hưởng lương thuộc Công an nhân dân (CAND);
  • Giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở công lập;
  • Cán bộ, công chức được xếp lương theo các ngạch hoặc các chức danh chuyên ngành: hải quan, kiểm toán, tòa án, thanh tra, kiểm sát, thi hành án dân sự, kiểm lâm.

Trên đây là các đối tượng theo quy định pháp luật, được ghi nhận về phụ cấp thâm niên.

Ngoài ra, để được hưởng phụ cấp thâm niên, đối tượng được hưởng phải đáp ứng thời gian công tác được đề cập tại mục Cách tính mức hưởng phụ cấp thâm niên bên dưới.

Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục hiện hành, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, đã bãi bỏ phụ cấp thâm niên đối với giáo viên.

Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị, từ năm 2021 sẽ chỉ còn 03 đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên là: Quân đội, Công an, Cơ yếu. Cũng trong Nghị quyết này, có những cái cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức: bãi bỏ cách tính lương cũ (hệ số x mức lương cơ sở), thay vào là 05 bảng lương mới với số tiền cụ thể, tương ứng với chức danh và vị trí việc làm. Hàng loạt các khoản phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức bị bãi bỏ, trong đó có phụ cấp thâm niên.

Tìm hiểu thêm: Hợp đồng cho thuê lại lao động 

Cách tính mức hưởng phụ cấp thâm niên

Phụ cấp thâm niên được tính như sau: Đủ 05 năm (60 tháng) làm việc liên tục trong ngành hoặc tại ngũ thì được hưởng phụ cấp thâm niên, với mức 5% mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); thêm mỗi năm công tác được hưởng thêm 1% lương, cộng các loại phụ cấp như phụ cấp thâm niên vượt khung,..

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ một số trường hợp cụ thể được hưởng phụ cấp thâm niên. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, không được pháp luật xem là đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên. Tuy nhiên, pháp luật không cấm việc, doanh nghiệp bằng ý chí của mình áp dụng khoản phụ cấp này đối với người lao động tại cơ sở mình, nhằm khuyến khích, thu hút người lao động. Việc áp dụng mức phụ cấp này có thể được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy chế doanh nghiệp.

Công nhân có được hưởng phụ cấp thâm niên không?

Như đã đề cập ở trên, việc người lao động, cụ thể trong trường hợp này là công nhân phụ thuộc vào chính sách của người sử dụng lao động. Pháp luật không cấm việc công nhân được hưởng phụ cấp thâm niên, tuy nhiên cũng không ghi nhận nội dung nào về việc buộc người sử dụng lao động phải có chính sách này với người lao động, cụ thể là Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành. Hiện nay, đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên chỉ gồm: công an, quân đội và cơ yếu.

Tham khảo thêm: Việc cho người lao động nghỉ việc trước khi hết thời hạn

Trên đây là thông tin Luật Thành Công cung cấp đến Qúy độc giả về nội dung Người lao động có được hưởng phụ cấp thâm niên không. Trong trường hợp có bất kỳ thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thế, Qúy độc giả vui lòng liên hệ hotline để được tư vấn kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0933.157.679
1900 633 710