Hiện nay, thời gian làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong một tuần và người sử dụng lao động có quyền quy định thời gian làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời gian làm việc không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan. Điều này được quy định cụ thể tại Điều 105 Bộ luật Lao động năm 2019. Bài viết sau đây của Luật Thành Công sẽ giải thích Thời gian làm việc thực tế của người lao động được quy định như thế nào?
QUY ĐỊNH THỜI GIAN LÀM VIỆC THÊM GIỜ
Thời gian làm thêm giờ phải đảm bảo theo quy định cụ thể tại Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019. Như vậy người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50 % số giờ làm việc bình thường trong một ngày, không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm.
Có thể bạn chưa biết: Quy định về thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa ca
Người sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ khi có sự động ý của người lao động.
Nếu người sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân…) quy định làm theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trên 1 ngày.
Một số trường hợp làm việc người sử dụng lao động được yêu cầu người lao động làm thêm trên 200 giờ đến 300 giờ trên 1 năm ở những công việc sau:
– Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
– Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
– Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân…) phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
QUY ĐỊNH GIỜ LÀM BAN ĐÊM
Hiện nay, pháp luật đã quy định rõ ràng về giờ làm việc vào ban đêm cho người lao động vì tính chất và đặc thù nghề nghiệp khác nhau giữa mỗi công việc. Người sử dụng lao động (doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân…) có những quy định về giờ làm việc khác nhau nhưng về thời gian làm việc vào ban đêm thì có quy định thời gian chung được áp dụng với tất cả người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thời gian làm việc vào ban đêm là khoảng thời gian từ 22 giờ tối đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Điều này được pháp luật quy định cụ thể, rõ ràng tại Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2019.
Quy định về thời gian làm việc vào ban đêm như vậy nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động có đủ sức khỏe hạn chế các bệnh về nghề nghiệp do quá trình lao động gây ra. Đồng thời, góp phần thực hiện các chế độ chính sách về pháp luật lao động của các bên tham gia trong quan hệ lao động. Pháp luật cũng quy định rõ về các chế tài xử lý nghiêm các trường hợp người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan lạm dụng quyền hạn có những hành vi vi phạm về quy định thời gian làm việc đối với người lao động tùy theo mức độ vi phạm. Quy định của pháp luật lao động đã góp phần phát triển kinh tế xã hội một các bền vững, mạnh mẽ, ổn định và lâu dài cũng như thúc đẩy mạnh quá trình tăng gia sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả và chất lượng cao đề hội nhập quốc tế, sánh vai cường quốc.
QUY ĐỊNH THỜI GIAN NGHỈ NGƠI
Về thời gian nghỉ ngơi trong giờ làm việc được quy định cụ thể tại Điều 109 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
– Người lao động được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục khi làm việc liên tục từ 06 giờ trở lên theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động 2019.
– Trường hợp làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa ca được tính vào thời giờ làm việc.
– Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động bố trí các đợt giải lao, các đợt này phải ghi vào nội quy lao động.
QUY ĐỊNH TIỀN LƯƠNG LÀM THÊM GIỜ, LÀM VIỆC VÀO BAN ĐÊM
Được quy định cụ thể tại Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:
“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
- a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
- b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
- c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
- Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
- Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.”
Điều 55, 56 và Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về cách tính tiền lương quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019.