QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI
Căn cứ pháp lý: Luật thương mại 2005
Nghị định 39/2007/NĐ-CP
Quy định pháp luật về hoạt động thương mại như sau:
Khái niệm hoạt động thương mại
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 hoạt động thương mại là khái niệm dùng để chỉ chung những hoạt động có thể sinh lợi, tạo ra lợi nhuận, được thể hiện dưới các hình thức như mua bán, trao đổi hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến đầu tư thương mại và các hoạt động khác nhằm tạo ra lợi nhuận.
Trong đó:
- “Mua bán hàng hoá”, theo khoản 8 Điều 3 Luật thương mại năm 2005, được hiểu là hoạt động trao đổi các loại hàng hoá, gồm các loại động sản, và những vật gắn liền với đất đai (khoản 2 Điều 3 Luật này); trong đó bên bán sẽ có trách nhiệm giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hoá cho bên mua và nhận thanh toán theo sự thoả thuận của hai bên; còn bên mua hàng hoá sẽ được nhận và sở hữu hàng hoá đã mua nhưng phải có trách nhiệm thanh toán cho bên bán giá trị hàng hoá đã mua theo sự thoả thuận trước đó của hai bên.
- Còn “cung ứng dịch vụ” là hoạt động thương mại mà trong đó, một bên (còn gọi là bên cung ứng) có hoạt động cung cấp các dịch vụ sẽ thực hiện dịch vụ cho một bên khác theo yêu cầu và nhận thanh toán đối với hoạt động này; còn bên sử dụng dịch vụ (hay còn gọi khách hàng – người có nhu cầu sử dụng dịch vụ) sẽ được thực hiện việc trải nghiệm, sử dụng dịch vụ do bên cung ứng dịch vụ cung cấp và sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền cho bên cung ứng dịch vụ (Khoản 9 Điều 3 Luật thương mại năm 2005).
- Xúc tiến thương mại, hiểu là các hoạt động có tính chất thúc đẩy, tìm kiếm các cơ hội để có thể giao thương, trao đổi, buôn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, thực hiện các giao dịch thương mại mà hoạt động xúc tiến thương mại thường được thể hiện như các hình thức khuyến mại, quảng cáp, tổ chức triển lãm, hôị chợ…
Có thể thấy, hoạt động thương mại là khái niệm dùng để chỉ các chuỗi hoạt động được thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, cũng tương tự như hoạt động kinh doanh nhưng chỉ tiếp cận chủ yếu ở giai đoạn kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, chứ không đề cập đến công đoạn sản xuất sản phẩm.
Xem thêm: Luật thương mại mới nhất
Đặc điểm của hoạt động thương mại
Căn cứ theo khái niệm về hoạt động thương mại và quy định pháp luật về hoạt động thương mại tại khoản 1 Điêù 3 Luật Thương mại năm 2005, có thể xác định “hoạt động thương mại” có những đặc điểm chính sau đây:
- Trong các chủ thể tham gia trong hoạt động thương mại thì có ít nhất một trong các bên được xác định là thương nhân.
Bên còn lại trong hoạt động thương mại có thể được xác định là thương nhân, nhưng cũng có thể được xác định không phải là thương nhân như cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh được điều chỉnh bởi Nghị định 39/2007/NĐ-CP, ví dụ như người buôn bán vặt, buôn bán quà vặt, buôn chuyến…
- Mục đích của các bên khi thực hiện hoạt động thương mại đều là nhằm mục đích lợi nhuận.
- Hoạt động thương mại được thể hiện dưới nhiều hình thức hoạt động khác nhau, nhưng được xác định chủ yếu thông qua hai nhóm hoạt động: Mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ.
- Chủ thể thực hiện hoạt động thương mại được phép thực hiện kinh doanh tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật, trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật.
- Phạm vi thực hiện hoạt động thương mại không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn được thực hiện ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam, trong phạm vi khu vực và thế giới, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thế giới và phù hợp với xu thế toàn cầu hoá, mở cửa nền kinh tế. Thông qua đó khẳng định vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Như vậy, hoạt động thương mại là một trong những phạm trù đặc thù của quan hệ kinh doanh thương mại, là cơ sở để phát triển nền kinh tế nội tại cũ của quốc gia cũng như sự giao thương, củng cố vị thế quốc gia trên thương trường quốc tế. Đồng thời, qua việc thực hiện đúng quy định pháp luật về hoạt động thương mại cho thấy vai trò của thương nhân, nhà đầu tư, cũng như các cá nhân, tổ chức khác có trong việc đóng góp xây dựng và phát triển nền kinh tế.