Luật kinh doanh bất động sản là gì? Tại sao cần phải có luật kinh doanh bất động sản? Bất động sản là một trong những thị trường có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính khác như: thị trường lao động, thị trường tiền tệ,… Hoạt động kinh doanh bất động sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tăng thu ngân sách và chiếm tỷ trọng đáng kể. Do đó, hiện nay hoạt động kinh doanh bất động sản đang diễn biến khá phức tạp trên thị trường. Do đó cần phải có luật kinh doanh bất động sản. Qua bài viết này, quý bạn đọc hãy cùng Luật Thành Công tìm hiểu về những điều cần lưu ý khi hoạt động kinh doanh bất động sản qua quy định của Luật kinh doanh Bất động sản.
Pháp luật áp dụng
– Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015 (“Bộ luật Dân sự năm 2015”);
– Luật Kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014 (“Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014”);
– Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản (“Nghị định 02/2022/NĐ-CP”).
Nội dung bài viết
Bất động sản là gì?
Đầu tiên, trước khi vào tìm hiểu về những điều cần lưu ý về hoạt động kinh doanh bất động sản thì chúng ta phải tìm hiểu pháp luật quy định như thế nào về bất động sản?
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có bất kỳ quy định nào trong hệ thống pháp luật đưa ra khái niệm về bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
- Tài sản là tiền, vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
- Tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hình thành trong tương lai và tài sản hiện có.
Như vậy, qua quy định trên thì chúng ta có thể hiểu rằng bất động sản là một dạng tài sản.
Bên cạnh đó, căn cứ vào quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định thêm như sau:
Bất động sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Công trình xây dựng, nhà gắn liền với đất đai;
c) Tài sản khác gắn liền với công trình xây dựng, nhà, đất đai;
d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Theo đó, bất động sản bao gồm các loại trên và loại mà chúng ta thường gặp nhất là nhà, đất đai, công trình xây dựng gắn liền với đất.
Như vậy, mặc dù pháp luật Việt Nam không có khái niệm quy định cụ thể về bất động sản là gì. Nhưng thông qua những quy định nêu trên thì chúng ta cũng có thể hiểu rằng bất động sản chính là một dạng tài sản bao gồm những loại thường gặp như: nhà, đất đai, công trình xây dựng gắn liền với đất,…
Những khái niệm liên quan đến bất động sản thường gặp hằng ngày?
– Kinh doanh bất động sản hay còn gọi là mua bán bất động sản, mua bán nhà đất:
Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
Xem thêm: Thành lập công ty cần bao nhiêu vốn?
Theo đó, kinh doanh bất động sản là việc tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt các hoạt động như xây dựng, mua bán, cho thuê lại, cho thuê, cho thuê mua bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận.
– Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê lại, cho thuê, cho thuê mua bất động sản.
Theo đó, môi giới bất động sản là trường hợp một tổ chức hoặc một người đứng ra làm trung gian, giới thiệu để tiến hành hoạt động mua bán, thuê, cho thuê, thuê mua bất động sản.
– Căn cứ vào khoản 6 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì sàn giao dịch bất động sản là nơi diễn ra các giao dịch về chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng sàn giao dịch bất động sản là nơi mà các hoạt động như: mua bán, cho thuê, thuê, thuê mua bất động sản được thực hiện.
– Căn cứ vào khoản 8 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì tư vấn bất động sản là hoạt động trợ giúp về các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản theo yêu cầu của các bên.
Qua đó, ta thấy tư vấn bất động sản được hiểu là dịch vụ mà khi có yêu cầu của một bên thì bên tư vấn sẽ trợ giúp cho bên yêu cầu các vần đề liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tìm hiểu thêm: Thủ tục thành lập công ty cầm đồ chi tiết | Luật Thành Công
Những điều cần biết khi hoạt động kinh doanh bất động sản?
– Phải đảm bảo điều kiện khi kinh doanh bất động sản:
Căn cứ vào Điều 4 Nghị định 02/2022/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh bất động sản phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật được nêu tại Điều này.
– Căn cứ vào Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 thì những loại bất động sản được phép kinh doanh như sau:
Các loại bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật này (sau đây gọi là bất động sản) bao gồm:
- Công trình xây dựng, nhà có sẵn của các tổ chức, cá nhân;
- Công trình xây dựng, nhà hình thành trong tương lai của các tổ chức, cá nhân;
- Công trình xây dựng, nhà là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh;
- Các loại đất được phép cho thuê, cho thuê lại, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh quyền sử dụng đất.
Theo đó, tổ chức, cá nhân chỉ được phép kinh doanh những loại bất động sản được liệt kê theo quy định đã nêu ở trên.
Tham khảo thêm: Giấy phép kinh doanh karaoke tại thành phố Hồ Chí Minh
– Căn cứ vào Điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 thì hững hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm như sau:
- Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật này.
- Quyết định việc đầu tư dự án bất động sản không phù hợp với kế hoạch, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Công khai không đầy đủ hoặc không công khai trung thực thông tin về bất động sản.
- Lừa dối, gian lận trong kinh doanh bất động sản.
- Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của cá nhân, tổ chức và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
- Thực hiện không đầy đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
- Cấp và sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
- Thu phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật đã quy định.
Theo đó, khi tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh bất động sản thì tổ chức, cá nhân không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật nêu trên.
Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết mà Luật Thành công tư vấn. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc hay gặp vấn đề cần giải đáp và hỗ trợ ngay lập tức thì Quý khách hàng hãy liên hệ ngay đến chúng tôi để được tư vấn và giải quyết kịp thời.