Công ty không trả bằng đại học khi người lao động nghỉ việc, công ty có được giữ bằng đại học khi người lao động chấm dứt hợp đồng không? Luật sư tư vấn về vấn đề công ty giữ bằng đại học.
Câu hỏi tư vấn:
Chào luật sư, em là T sinh năm 1996. Em có đi làm tại Công ty TNHH M. Vào thời điểm tuyển dụng, Công ty M có yêu cầu em chuẩn bị hồ sơ kèm theo đó là bản gốc bằng tốt nghiệp đại học. Hiện nay em đã đi làm được 6 tháng và đã xin nghỉ trước 1 tháng nhưng sau đó phía công ty thông báo bằng tốt nghiệp đại học của em đã bị mất. Em đã nhiều lần yêu cầu công ty tìm lại và giải quyết cho em nhưng đã qua một thời gian dài công ty vẫn không có phản hồi và giải quyết cho em. Em muốn hỏi nếu như công ty vẫn không hợp tác, em có thể khởi kiện được không ạ. Mong luật sư tư vấn và hỗ trợ giúp em, em chân thành cảm ơn ạ.
Trả lời tư vấn:
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, theo quy định Điều 47 Bộ luật lao động 2019 thì người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ thanh toán các khoản liên quan đén lợi ích của bạn. Đồng thời, có trách nhiệm trả lại sổ bảo hiểm xã hội, các loại giấy tờ khác mà người sử dụng giữ của người lao động. Bên cạnh đó, tại Điều 20 Bộ luật lao động có quy định: “nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động”
Tìm hiểu ngay: Hành vi giữ bằng gốc người lao động
Như vậy, công ty không có quyền giữ lại bằng cấp bản gốc của người lao động và đây được xem là hành vi trái pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, hành vi giữ lại bằng cấp gốc của người lao động có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Trường hợp của bạn, trong quá trình tuyển dụng lao động công ty yêu cầu bạn giao nộp bằng đại học bản gốc đồng thời khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động, công ty cũng không trả lại bằng cấp gốc và không phản hồi lại cho bạn.Hành vi của công ty là trái pháp luật và để bảo đảm quyền lợi của mình, buộc người sử dụng lao động trả lại bằng cấp gốc cho bạn thì bạn có thể thực hiện các phương án như sau:
- Tố cáo lên Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Khiếu nại với người sử dụng lao động hoặc Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình. Lưu ý khi khởi kiện, thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Trên đây, là ý kiến tư vấn của Luật Thành Công đối với yêu cầu pháp lý của các bạn gửi đến chúng tôi. Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc liên quan đến quyền lợi của người lao động hãy liên hệ hotline 1900.633.710 để được hỗ trợ tư vấn nhé.