Pháp luật hiện nay có quy định như thế nào về người sử dụng hay công ty có được phép giữ chứng chỉ của người lao động? Hành vi này của công ty có trái với quy định của pháp luật không?
Câu hỏi tư vấn:
Hiện nay, tôi đang có vấn đề về việc người sử dụng lao động giữ chứng chỉ cá nhân, cụ thể như sau:
Theo quy định của Luật Xây dựng, để có thể tham gia các hoạt động xây dựng thì tôi có tiến hành thực hiện đăng ký và xin cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Chi phí cho việc xin cấp chứng chỉ hành nghề là do công ty chủ quản chi trả và hiện nay công ty đang giữ các chứng chỉ này của tôi mà không cho phép tôi được quyền nắm giữ. Tôi muốn hỏi:
- Công ty chủ quản có được phép giữ chứng chỉ này của tôi không?
- Trong trường hợp nếu tôi không làm việc ở công ty nữa thì tôi có quyền lấy lại các chứng chỉ cá nhân này không? Xin cảm ơn.
I. Cơ sở pháp lý
- Bộ luật lao động 2019;
- Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
II. Nội dung tư vấn
Căn cứ theo Điều 17 Bộ luật lao động 2019 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất, người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân hoặc chứng chỉ của người lao động.
Thứ hai, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc bằng tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Thứ ba, người sử dụng lao động không được ép buộc người lao động phải thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Như vậy, theo như khoản 1 Điều 17 Bộ luật lao động 2019 quy định cụ thể thì người sử dụng lao động không được phép giữ văn bằng hay chứng chỉ của người lao động. Do vậy, hành vi công ty bạn giữ chứng chỉ của bạn là hành vi trái pháp luật.
Căn cứ tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động cụ thể sau đây:
“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm về việc giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hay chứng chỉ của người lao động khi thực hiện hay giao kết hợp đồng lao động.”
Ngoài ra, căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như sau:
“Buộc người sử dụng lao động phải trả lại bản chính giấy tờ tùy thân hoặc văn bằng hay chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.”
Tìm hiểu ngay: Khởi kiện khi người sử dụng lao động giữ giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ gốc của người lao động
Như vậy, đối với hành vi người sử dụng lao động giữ văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Đồng thời, buộc người sử dụng lao động phải trả lại bản chính những văn bằng, chứng chỉ cho người lao động theo quy định của Nghị định 12/2022/NĐ-CP.