Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước không thể tách rời với việc củng cố và hoàn thiện chế định sở hữu đất đai. Đồng thời, việc củng cố và hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai phải phù hợp với những yêu cầu trong thực tiễn.
Vấn đề củng cố và hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai
Quá trình phát triển kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu “tư nhân hóa” về quyền sử dụng một số bộ phận đất đai – tác nhân gây “biến dạng” chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Sự can thiệp chủ động của Nhà nước đã và đang dần dần bị hạn chế bởi chính các yếu tố thị trường. Điều đó làm phá vỡ các quy hoạch, kế hoạch chủ động của Nhà nước về đất đai, buộc các cơ quan nhà nước phải thường xuyên thay đổi các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ban hành trước đó, gây ra “làn sóng” bất ổn về chính sách về đất đai, khiến các đối tượng được giao quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, vấn đề củng cố và hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là “bài toán” được đặt lên hàng đầu. Cụ thể:
- Tiếp tục phát triển những ưu điểm của chế định sở hữu toàn dân về đất đai. Thể chế hóa những quan điểm, đường lối chủ đạo của Đảng, Nhà nước về vấn đề đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN;
- Khắc phục một số điểm hạn chế, bất cập của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Theo đó, xem xét và nghiên cứu khả năng hiến định hóa một số quy định Pháp Luật đất đai;
- Nhà nước cần ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cần phân định rõ vai trò của các cơ quan nhà nước trong tư cách thực hiện quyền của người đại diện chủ sở hữu và trong tư cách là người sử dụng đất để đảm bảo tính minh bạch, bình đẳng trong thực thi quan hệ đất đai; quy định rõ quyền và tạo cơ chế thuận lợi để cá nhân, tổ chức được giao đất, cho thuê đất thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và hưởng lợi tùy theo loại đất…
Tìm hiểu thêm: Thủ tục bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của nhà nước
Sự cần thiết phải tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai ở nước ta
Chúng ta cần phải tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện sở hữu toàn dân đối với đất bởi lẽ:
- Trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ, khai thác và cải tạo được vốn đất như ngày nay. Chính vì vậy, không thể để cho một số người nào đó có quyền độc chiếm sở hữu;
- Không có một hình thức nào ngoài hình thức sở hữu toàn dân giúp đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Hình thức sở hữu này tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhà nước xây dựng quy hoạch và thực hiện kế hoạch sử dụng đất trên toàn lãnh thổ;
- Nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân có thể bị “lung lay” khi đất đai của quốc gia, đất nước thuộc nhiều hình thức sở hữu. Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành, quản lý và huy động được đất đai vào việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh;
Tìm hiểu ngay: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh
- Tạo điều kiện cần thiết và quan trọng để Nhà nước có thể thực hiện vai trò kiểm soát và quản lý nguồn đất cũng như điều tiết các quan hệ lợi ích đất đai có lợi cho quốc gia, cho người sử dụng đất trực tiếp;
- Về mặt lý luận, pháp luật đất đai chưa xác định rõ những nội dung cụ thể của khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai cũng như chưa phân định rõ vai trò Nhà nước trong việc thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai.
Tham khảo thêm thông tin:
Thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được nhà nước giao đất