Việc tiến hành làm thủ tục đơn phương ly hôn nếu không am hiểu về luật và các quy định của pháp luật thì rất dễ đi vào bế tắc. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo bài viết Xác định nơi nộp đơn ly hôn đối với đơn phương ly hôn.
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật
Trong Hiến pháp năm 2013 của nước ta đã ghi nhận Tòa án chính là cơ quan xét xử, thực hiện quyền về tư pháp và có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Điều này đã được cụ thể hóa tại Khoản 1 Điều 4 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền của Tòa án bao gồm:
- Ly hôn, các tranh chấp về vấn đề nuôi con, chia tài sản.
- Tranh chấp về vấn đề chia tài sản chung của vợ và chồng trong hôn nhân.
- Sau khi ly hôn, vợ chồng có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp liên quan đến thay đổi người nuôi con, về cấp dưỡng.
- Các bên có yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp trong việc xác định mối quan hệ giữa cha, mẹ với con.
- Tranh chấp trong vấn đề về sinh con qua kỹ thuật hay mang thai hộ.
- Tranh chấp về các vấn đề con cái, tài sản khi giải quyết quan hệ nam nữ chung sống không kết hôn hoặc hủy kết hôn trái pháp luật.
- Các tranh chấp khác.
Như vậy, từ căn cứ trên theo Khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có thể xác định quyền ly hôn đã được pháp luật ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân, và cơ quan có thẩm quyền giải quyết ly hôn được xác định là Tòa án.
Có thể bạn quan tâm: Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp về ly hôn theo yêu cầu của một bên
Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, thẩm quyền của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về ly hôn theo yêu cầu của một bên được xác định theo cấp và theo lãnh thổ, người có yêu cầu đơn phương ly hôn trước khi nộp đơn cần xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo hai bước cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định cấp Tòa án có thẩm quyền tiếp nhận đơn và giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên
Người có yêu cầu ly hôn đơn phương cần phải xác định tranh chấp của mình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện hay cấp tỉnh.
Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, các trường hợp được xác định là thuộc phạm vi thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện bao gồm:
Các yêu cầu giải quyết tranh chấp ly hôn phát sinh giữa vợ chồng, trừ các trường hợp đặc thù sau:
- Trong trường hợp ly hôn đơn phương mà có một trong các đương sự hay tài sản liên quan đến tranh chấp ở nước ngoài.
- Trường hợp việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên bắt buộc phải thực hiện ủy thác tư pháp cho Tòa án, cơ quan của nước ngoài có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước đó.
Tòa án nhân dân cấp huyện được giao thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp có đương sự ở nước ngoài nếu như quan hệ hôn nhân này được hình thành giữa người Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với người còn lại là công dân nước láng giềng cư trú ở biên giới với nước ta.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh được xác định có thẩm quyền giải quyết ly hôn theo yêu cầu một bên theo quy định tại Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 bao gồm những trường hợp sau:
- Những tranh chấp giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên không thuộc những trường hợp do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết đã xác định ở trên.
- Những vụ giải quyết ly hôn đơn phương thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nhưng Tòa án cấp tỉnh lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tòa án nhân dân cấp huyện.
Bước 2: Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương theo lãnh thổ
Ly hôn chính là giải pháp để chấm dứt quan hệ hôn nhân, trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định vợ chồng khi ly hôn có thể thực hiện yêu cầu của mình bằng một trong hai hình thức sau:
- Hai vợ chồng cùng đồng thuận đưa ra yêu cầu ly hôn khi cả hai bên đã tự nguyện ly hôn với nhau và hoàn toàn tự giải quyết được với nhau những vấn đề có liên quan đến quan hệ hôn nhân của mình.
- Một trong hai bên đưa ra yêu cầu ly hôn theo ý chí, nguyện vọng của mình mà không cần đến sự đồng ý của người còn lại khi cả hai không thống nhất hoặc không cùng ý kiến đi đến chấm dứt hôn nhân.
Việc xác định rõ được hình thức ly hôn sẽ giúp người có yêu cầu xác định được chính xác Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Bởi nếu như trong trường hợp thuận tình ly hôn, các bên yêu cầu có thể lựa chọn nơi gửi đơn yêu cầu giải quyết là Tòa án nơi cư trú của nguyên đơn hay bị đơn đều được thì ngược lại, việc xác định Tòa án giải quyết cho trường hợp ly hôn đơn phương sẽ được xác định theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
- Phải là Tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc. Nơi cư trú của bị đơn được xác định theo quy định tại Luật cư trú năm 2006, sửa đổi bổ sung 2013 chính là nơi đăng kí thường trú hoặc tạm trú của bị đơn.
- Nếu trong trường hợp hai vợ chồng có thể thỏa thuận được với nhau đồng ý nơi giải quyết ly hôn là Tòa án nơi cư trú hay làm việc của nguyên đơn thì Tòa án này cũng có thẩm quyền giải quyết.
Mong rằng bài viết có thể giúp bạn xác định được nơi nộp đơn ly hôn đối với đơn phương ly hôn.
NẾU BẠN CHƯA RÕ HOẶC CÒN VƯỚNG MẮC BẤT CỨ ĐIỀU GÌ, HÃY LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI QUA SỐ ĐIỆN THOẠI 0931 060 668 – 0963 766 477 ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ
Có thể bạn quan tâm:
Tội Vi Phạm Chế Độ Một Vợ, Một Chồng: Hiểu Để Không Bị Đi Tù
Luật sư tư vấn ly hôn từ A đến Z miễn phí qua tổng đài