Trong thực hiện nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay, khi người nộp thuế đáp ứng các điều kiện đặc biệt sẽ được khấu trừ một mức thuế trong đó có giảm trừ gia cảnh. Pháp luật ghi nhận quyền được giảm trừ gia cảnh là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tiễn xã hội và mang ý nghĩa to lớn. Hãy cùng Luật Thành Công tìm hiểu chi tiết về Giảm trừ gia cảnh.
Giảm trừ gia cảnh là gì?
Hiện nay pháp luật quy định nội dung “Giảm trừ gia cảnh” tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, theo đó “Giảm trừ gia cảnh” là chính sách quy định về số tiền người lao động chịu thuế TNCN được giảm bớt khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Hiện nay, giảm trừ gia cảnh sẽ được áp dụng để tính cho 2 trường hợp sau đây:
– Giảm trừ cho bản thân người đóng thuế TNCN;
– Giảm trừ cho người phụ thuộc của người nộp thuế.
Mức giảm trừ gia cảnh năm 2024
Hiện nay mức giảm trừ gia cảnh được thực hiện theo Nghị quyết số: 954/2020/UBTVQH14, cụ thể như sau:
– Mức giảm trừ đối với đối tượng bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (tức 132 triệu đồng/năm);
– Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc của người nộp thuế là 4,4 triệu đồng/tháng.
Tham khảo thêm: Hóa đơn điện tử là gì? Những điều doanh nghiệp cần biết
Người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, người phụ thuộc là người mà đối tượng nộp thuế phải có trách nhiệm nuôi dưỡng. Việc xác định người phụ thuộc nhằm xét giảm trừ gia cảnh được hướng dẫn tại Thông tư 111/2013/TT-BTC, cụ thể như sau:
h3: Người phụ thuộc là con của người nộp thuế
Người phụ thuộc là con của người nộp thuế bao gồm cả con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ hoặc chồng, cụ thể:
– Con dưới 18 tuổi.
– Con đã đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
– Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại các bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ đủ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (kể cả trong thời gian đang chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập những bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn không vượt quá 1.000.000 đồng.
Người phụ thuộc khác của người nộp thuế
– Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng được những điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
– Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng được những điều kiện quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
– Các cá nhân khác không có nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và phải đáp ứng được những điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Tìm hiểu thêm: Cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp đơn giản năm 2024
Đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh ở đâu?
Hiện nay việc thực hiện đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số: 105/2020/TT-BTC, Điều 31, 32 Luật Quản lý thuế năm 2019. Theo đó, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà việc thực hiện việc đăng ký này diễn ra ở những cơ quan khác nhau, khoản 9 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định cụ thể về từng trường hợp.
Thủ tục làm hồ sơ đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh
Hiện nay người nộp thuế có thể đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh trên trang thuế điện tử của Tổng cục thuế: https://thuedientu.gdt.gov.vn/
Bước 1 – Đăng nhập vào trang web thuế điện tử
Chọn mục “Đăng ký thuế”, sau đó chọn “Đăng ký mới/thay đổi thông tin của cá nhân qua CQCT”, chọn “Hồ sơ đăng ký thuế” là mẫu 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm Thông tư 105/2020/TT-BTC;
Tiếp đến, điền đầy đủ thông tin trực tiếp trên mẫu 20-ĐK-TH-TCT. Cách điền nội dung của bảng này tương tự như cách điền vào mẫu 20-ĐK-TCT ở trên.
Bước 2 – Nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc của người nộp thuế
Sau khi đã điền xong thông tin, chọn “Hoàn thành kê khai” nộp hồ sơ đăng ký thuế để nộp tờ khai.
Thời gian đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh
Chậm nhất 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm, cá nhân phải đăng ký người phụ thuộc để được giảm trừ gia cảnh.
Đối với người phụ thuộc là anh ruột, chị ruột, em ruột, ông bà nội/ngoại… thì thời hạn để đăng ký mã số thuế để giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế, quá thời gian này thì sẽ không được giảm trừ gia cảnh năm tính thuế.
Xem thêm: Bảo hiểm xã hội là gì? Các quy định về BHXH năm 2024
Các câu hỏi thường gặp khi đăng ký người phụ thuộc giảm trừ gia cảnh
Mẹ của anh A năm nay đã 60 tuổi, vậy có thể đăng ký mẹ của anh A là người phụ thuộc hay không và cần có thêm điều kiện gì nữa không?
Trong trường hợp này mẹ của anh A đã ngoài độ tuổi lao động và cần thêm điều kiện là không có thu nhập hoặc thu nhập bình quân 1 tháng không quá 1.000.000 đồng thì anh A mới được đăng ký người phụ thuộc.
Anh A và chị B là vợ chồng có 2 con (5 tuổi và 3 tuổi). Trong năm 2022, anh A đã đăng ký 2 con là người phụ thuộc thì qua năm 2023 chị B có thể đăng ký 2 người con làm người phụ thuộc cho mình được không?
Hiện nay pháp luật quy định người phụ thuộc chỉ được giảm trừ 1 lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Vì vậy trong trường hợp chị B muốn đăng ký cho 2 con thành người phụ thuộc của mình thì trước đó anh A phải đăng ký giảm trừ người phụ thuộc tại công ty mà anh A đang làm việc từ đầu tháng 01/2023, sau đó chị B mới có thể đăng ký được người phụ thuộc vào đầu 01/2023.